Thế giới lên án hành động trấn áp đẫm máu ở Ai Cập
VOV.VN - Cuộc trấn áp đẫm máu của Chính quyền Ai Cập đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 14/8, Quân đội Ai Cập đã tiến hành đàn áp người biểu tình ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, theo một số nguồn tin, đã có 278 người chết, bạo lực leo thang đã khiến ngày hôm qua trở thành ngày đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arab.
Cuộc trấn áp đẫm máu của Chính quyền Ai Cập đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án mạnh mẽ việc chính phủ lâm thời Ai Cập dùng vũ lực để phá hủy 2 trại biểu tình ở Cairo.
Đã có 278 người thiệt mạng trong cuộc trấn áp người biểu tình của lực lượng an ninh Ai Cập (Ảnh: EPA) |
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực để giải tán người biểu tình. Ông Ban Ki-moon kêu gọi 2 phe đối lập của Ai Cập kiềm chế và bày tỏ quan ngại khi "chính quyền Ai Cập chọn dùng vũ lực để đối phó với những cuộc biểu tình đang diễn ra".
Ông Ban Ki-moon nói: “Bạo lực và sự kích động từ bất kỳ bên nào không phải là câu trả lời cho những thách thức mà Ai Cập đang phải đối mặt… Những quan điểm khác nhau cần được thể hiện một cách hòa bình và cần được tôn trọng”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi cuộc trấn áp đẫm máu của chính quyền Ai Cập đối với người biểu tình là "tồi tệ". Kể từ khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Morsi, Mỹ đã tránh dùng cụm từ "đảo chính" với sự kiện này. Theo luật pháp Mỹ, nếu điều này xảy ra, Washington sẽ hoãn 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm cho Cairo.
Tuy nhiên, những bình luận ông Kerry cho thấy Mỹ đang không đồng tình với hành động của chính phủ lâm thời Ai Cập. Ông Kerry nói: "Sự việc hôm nay (14/8) thật tồi tệ, nó đi ngược lại những nguyện vọng của người dân Ai Cập về hòa bình, thống nhất và dân chủ”.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng, Josh Earnest nói: “Mỹ lên án việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình ở Ai Cập. Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Quân đội và lực lượng an ninh Ai Cập kiềm chế, Chính phủ lâm thời nên tôn trọng các quyền cơ bản của công dân. Đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi người biểu tình nên thể hiện nguyện vọng của mình một cách hòa bình”.
Ngoại trưởng Anh William Hague bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang. Ông Hague nói: "Vương quốc Anh đã tham gia chặt chẽ và tích cực trong các nỗ lực ngoại giao để có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho bế tắc ở Ai Cập. Tôi lên án việc dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình và kêu gọi các lực lượng an ninh hành động kiềm chế".
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi “tất cả các đảng phái chính trị nên trở lại đàm phán ngay lập tức và chấm dứt leo thang bạo lực. Mọi hành vi gây đổ máu thêm nữa phải bị ngăn chặn”.
Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cuộc trấn áp ngày 14/8 và cảnh báo về khả năng hành động này có thể làm bạo lực leo thang trở thành một cuộc nội chiến.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao ở Tehran cho biết, “Iran đang theo dõi sát sao sự kiện vừa diễn ra ở Ai Cập, Iran không chấp nhận các hành động bạo lực và lên án vụ thảm sát và cảnh báo về những hậu quả nghiệm trọng có thể xảy ra”.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của chính quyền Morsi, thúc giục cộng đồng quốc tế phải hành động ngay lập tức trước "phản ứng không thể chấp nhận được" đối với những người biểu tình. Văn phòng Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan mô tả cuộc đàn áp ở Cairo là "một cú đánh mạnh vào hy vọng quay trở lại với nền dân chủ" của Ai Cập./.