Thế giới phản ứng về chính biến ở Myanmar
VOV.VN - Hiện thế giới đã có những phản ứng trước tình hình tại Mynamar, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại giải quyết bất đồng.
Với cáo buộc gian lận bầu cử, quân đội Myanmar sáng nay đã bắt giữ nhiều quan chức chính phủ trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng 1 năm, trước khi 1 cuộc bầu cử mới có thể diễn ra.
Sau khi quân đội bắt giữ các quan chức cấp cao chính phủ Myanmar, Phó Tổng thống Myint Swe đã thảo luận với phía quân đội, đồng ý ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời chuyển quyền kiểm soát chính phủ tạm thời cho Tổng tư lệnh quân đội nước này - Thống tướng Min Aung Hlaing.
Thông báo được phát thanh viên đọc trên Đài truyền hình quân đội: “Việc từ chối giải quyết vấn đề gian lận bầu cử và không thực hiện yêu cầu hoãn các phiên họp quốc hội là không phù hợp với điều 417 của Hiến pháp năm 2008 - vốn đề cập đến các hành vi hay nỗ lực nắm quyền của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ bằng những biện pháp cưỡng bức sai trái, làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trên toàn quốc và có thời hạn trong một năm tính từ khi công bố”.
Cũng theo thông báo, trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại. Hiện các chức năng lập pháp của Quốc hội Myanmar đã bị đình chỉ. Sân bay quốc tế Yangon được thông báo ngừng hoạt động cho tới tháng 5/2021, trong khi tất cả các ngân hàng trên khắp Myanmar đã đóng cửa trong ngày hôm nay.
Đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ đã ra tuyên bố kêu gọi người dân không ủng hộ các hành động của quân đội, cho rằng bước đi mới nhất từ lực lượng này sẽ đưa đất nước quay trở lại chế độ độc tài.
Quốc tế cũng đã lên tiếng phản ứng trước tình hình tại Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Myanmar hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành đa số ghế tại cả hai viện Quốc hội liên bang, phản ánh ý chí của người dân Myanmar tiếp tục con đường cải cách dân chủ. Theo đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng ý chí của người dân nước này và nhấn mạnh mọi bất đồng cần phải giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.
Trong khi, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, ông Tom Adrews cũng bày tỏ quan ngại: “Thật đáng lo ngại. Chúng tôi vẫn đang nhận thông tin từ Myanmar với tư cách là người bạn. Nhưng những gì chúng ta biết là nền dân chủ đã bị các Tướng lĩnh nước này đảo lộn. Nhiều người hiện đang bị giam giữ”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thông tin về các vụ bắt giữ tại Myanmar. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar thả tất cả quan chức chính phủ; tôn trọng ý nguyện của người dân Myanmar đã được thể hiện trong cuộc bầu cử dân chủ hôm 8/11. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, nước này "sát cánh với người dân Myanmar trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển.
Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cùng ngày cũng đã hối thúc Myanmar duy trì nền dân chủ sau vụ việc này, kêu gọi các bên liên quan tại Myanmar giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại và theo quy trình dân chủ là điều rất quan trọng.
Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) bày tỏ hy vọng các bên tại Myanmar có thể giải quyết hợp lý các bất đồng theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cũng như đảm bảo ổn định chính trị và xã hội.
Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã lên tiếng về tình hình tại Myanmar, nhấn mạnh tất cả bất đồng về bầu cử phải được giải quyết theo các cơ chế pháp lý hiện hành. Malaysia khẳng định ủng hộ việc "tiếp tục thảo luận giữa các các nhà lãnh đạo của Myanmar để tránh hậu quả bất lợi cho người dân và đất nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19”.
Trong khi đó, lãnh đạo chính phủ Thái Lan và Campuchia cho rằng, việc quân đội Myanmar giành quyền điều hành đất nước là một vấn đề nội bộ của quốc gia láng giềng này và khẳng định không bình luận gì về công việc nội bộ của bất kỳ nước nào.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua./.