Thế giới trước khả năng xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 mới
VOV.VN - Sau hơn 1 tháng ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm, con số này lại đang có xu hướng gia tăng trên khắp thế giới. Tại Mỹ và châu Âu, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo về làn sóng dịch mới có thể xuất hiện trong vài tuần tới.
Nếu làn sóng dịch mới nổ ra, điều đó có thể gây trở ngại cho các nỗ lực mở cửa đưa cuộc sống trở lại bình thường tại các nước này
Trong cuộc họp báo mới nhất vào hôm qua (20/3), bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, yếu tố góp phần làm gia tăng ca nhiễm toàn cầu là Omicron, loại biến thể của virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền nhất cho đến nay và dòng phụ BA.2 của Omicron.
“Đó là sự kết hợp của các yếu tố dẫn đến sự gia tăng này. Đầu tiên là vẫn còn biến thể Omicron đang lây truyền ở mức độ rất mạnh trên khắp thế giới. Chúng ta có các dòng phụ của Omicron là BA.1 và BA.2 trong đó BA.2 là biến thể dễ lây truyền nhất mà chúng ta từng thấy. Trong bối các nước dỡ bỏ một số biện pháp phòng dịch như không bắt buộc đeo khẩu tra, bỏ giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển. Điều này sẽ tạo cơ hội cho virus lây lan”.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc thế giới có nhanh chóng đạt được hay không mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số ở các quốc gia.
Tại Mỹ, cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, trong vài tuần tới, số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày.
Dự báo của Tiến sĩ Fauci căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Vì vậy, ông kêu gọi: “Cách tốt nhất là để không gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 là đưa mọi người đi tiêm chủng. Đối với những người đã tiêm 2 mũi thì tiêm thêm mũi tăng cường cho họ. Đây là những việc chúng ta nên làm khi ở vào tình hình của chúng ta như hiện tại”.
Châu Âu cũng đang lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ sáu sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng quá sớm. Nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh. Theo thống kê của tổ chức Worldometer, châu Âu tuần qua ghi nhận thêm hơn 4,8 triệu ca nhiễm, tăng 7% so với tuần trước đó. Ca nhiễm ở châu Âu gia tăng một tháng sau khi nhiều nước hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc, nước đang theo đuổi chính sách “không Covid”, dịch bệnh cũng đang diễn biến tương đối phức tạp. Hôm qua, nước này ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới Covid-19, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm. Chính quyền địa phương thông báo Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh cùng tên phong tỏa trong 3 ngày kể từ đêm 20/3 trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất trong 2 năm qua. Trước đó, nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa có trọng điểm, Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này.
Một số nước khác như Hàn Quốc và Australia hiện đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng, với số ca mắc mới tăng mạnh, gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế.
Chính vì vậy, trong thông điệp mới nhất của mình, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: Mọi quốc gia đang đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến với đại dịch. Đại dịch Covid-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay của một số người, mà đại dịch đã là một vấn đề toàn cầu nên các quốc gia cần làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó với vấn đề chung này./.