Thỏa thuận Brexit vẫn đứng trước nguy cơ bị bác bỏ
VOV.VN - Nước Anh đang đứng trước thời khắc quyết định khi Thỏa thuận Brexit một lần nữa được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện Anh vào ngày 12/3 tới.
Không có những thay đổi lớn so với phiên bản đã bị bác bỏ trong cuộc phiếu hồi tháng 1, khiến Thỏa thuận này lại đứng trước nguy cơ thất bại vào ngày 12/3 tới, mở đường cho khả năng nước Anh có thể phải trì hoãn tiến trình Brexit, tránh viễn cảnh nước Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận với nhiều tác động tiêu cực.
Thỏa thuận bị bác bỏ hồi tháng 1 đã khiến Thủ tướng Anh Theresa May phải đàm phán lại với Liên minh châu Âu. Ảnh: Daily Mail |
Cách đây 2 tháng, Nghị viện Anh cũng đã bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May, buộc bà phải quay trở lại đàm phán với Liên minh châu Âu. Bất chấp những nỗ lực của Thủ tướng, các cuộc đối thoại giữa Anh và EU dường như không đạt được bước đột phá. Nếu thỏa thuận một lần nữa bị bác bỏ tại Nghị viện và không có quyết định kéo dài đàm phán, Anh sẽ rời EU sau 45 năm là thành viên EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận, với những tác động lớn đến cả hai bên.
Các cuộc thảo luận vẫn đang được tiếp tục trong những ngày này về một số đảm bảo pháp lí, với hi vọng có thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vẫn hi vọng có thể đảm bảo được đột phá trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu trong những ngày cuối tuần này trước cuộc bỏ phiếu. Thủ tướng Theresa May cũng có thể thực hiện chuyến thăm Brussells vào phút chót nếu cần thiết.
“Không chỉ các nghị sĩ phải đối mặt với các lựa chọn lớn trong tuần tới mà EU cũng phải đưa ra quyết định. Cả hai phải tham gia vào tiến trình này. Điều này nằm trong lợi ích của EU khi Brexit có thỏa thuận. Chúng tôi đang thảo luận với họ, nhưng quyết định của EU trong những ngày tới sẽ có tác động lớn đến cuộc bỏ phiếu”, bà May nói.
Trong một đề xuất đưa ra tuần này, phía EU tuyên bố Anh có quyền đơn phương rút khỏi Liên minh Hải quan sau khi rời khỏi EU. Tuy nhiên, Bắc Ireland sẽ phải tiếp tục ở lại trong "quỹ đạo thương mại" của EU. Đề xuất này đã bị Anh bác bỏ thẳng thừng với lý do đề xuất này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tới sự thống nhất của Vương quốc Anh. Do đó, có ít hi vọng về những nhượng bộ lớn từ EU có thể được đưa ra và Thủ tướng thay vào đó vẫn phải đang cố gắng thuyết phục các nghị sĩ Anh.
“Thông điệp của tôi tới các nghị sĩ đó là bây giờ là thời điểm để hành động. Chúng ta đã phối hợp cùng nhau hơn 2 năm cho thỏa thuận. Đây là một thỏa thuận toàn diện, đảm bảo cho chúng ta ra khỏi EU một cách có trật tự, tạo ra nền tảng cho một mối quan hệ tương lai tham vọng. Cần có thêm những nỗ lực để giải quyết các lo ngại cuối cùng của Nghị viện. Hãy làm những điều cần thiết để ủng hộ thỏa thuận, bởi vì nếu thỏa thuận bị bác bỏ, sẽ không có gì là chắc chắn cả”, Thủ tướng May nhấn mạnh.
Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đạt được với EU đã bị đa số nghị sĩ bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 1 vừa qua. Hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện, hiện chưa có dấu hiệu những nghị sĩ này thay đổi quan điểm.
Công đảng đối lập vẫn phản đối thỏa thuận, thậm chí kể cả khi Thủ tướng đã đưa ra các bước đi nhượng bộ, với các cam kết bảo vệ quyền của công nhân và các quĩ mới dành cho các thị trấn nghèo. Thủ tướng Anh tuyên bố nếu thỏa thuận này bị bác bỏ, các nghị sĩ có thể bỏ phiếu trong ngày 13-14/3 về việc có muốn Anh rời EU mà không có một thỏa thuận hay không. Trong trường hợp các nghị sĩ không ủng hộ kịch bản Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận, Thủ tướng sẽ đề xuất hoãn thời điểm Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán.
Bất cứ sự trì hoãn nào cũng cần phải có sự thông qua của lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tại Brussells, Bỉ vào ngày 21-22/3 tới, một tuần trước thời hạn Anh ra khỏi Liên minh châu Âu./.
Anh hy vọng sẽ có đột phá về Brexit cuối tuần này