Thỏa thuận Xanh của EU dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu
VOV.VN - EU đặt mục tiêu vào năm 2050 trở thành lục địa đầu tiên trung hòa về carbon và giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận Xanh mà Liên minh Châu Âu (EU) công bố hôm 11/12 đang nổi lên là chủ đề nóng tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha). Theo đó, EU đặt mục tiêu vào năm 2050 trở thành lục địa đầu tiên trung hòa về carbon với những khoản đầu tư khổng lồ và giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Sáng kiến của EU đã thắp lên hi vọng cho các nhà hoạt động môi trường về khả năng các nước phát thải lớn khác cùng tham gia.
Ảnh minh họa: Internet. |
Trừ Ba Lan, Séc, Hungary, tất cả các thành viên EU đã nhất trí tham gia Thỏa thuận Xanh, theo đó nâng mục tiêu giảm lượng khí CO2 từ 40% lên 55% vào năm 2030 và đến năm 2050 trung hòa về carbon (tức là có biện pháp để hấp thụ khí thải, đúng bằng khối lượng đã phát thải).
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, Thỏa thuận Xanh sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho các nước khác cùng tham gia, còn cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore ca ngợi EU hiện là người đi tiên phong trong việc thúc đẩy các chính sách tốt hơn.
"Liên minh châu Âu có cơ hội để chứng tỏ sự lãnh đạo nổi trội trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong giao đoạn này khi mà Tổng thống Mỹ Đônan Trăm đang dẫn dắt nước Mỹ đi sai hướng. Tôi hi vọng Thỏa thuận Xanh sẽ được thông qua tại Mỹ”, ông Guterres nói.
Chủ tịch mới đắc cử của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen coi đây là bước đi lớn hướng tới thực hiện cam kết EU trở thành châu lục trung hòa về carbon vào năm 2050. Tuy nhiên đề xuất này chưa được sự đồng thuận của tất cả các nước dự hội nghị khí hậu ở Mađrit, trong đó có 1 số thành viên trong EU. Các nước Đông Âu vốn lệ thuộc vào than muốn có đảm bảo tài chính trước khi ủng hộ Thỏa thuận Xanh. Trong khi đó, một số tổ chức môi trường cảnh báo, mục tiêu mà EU đưa ra là chưa đủ mạnh để cứu nguy các hệ sinh thái đang biến mất.
Nhà hoạt động Martin Kaiser thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh bày tỏ quan điểm: "Thỏa thuận Xanh mới do Ủy ban châu Âu đề xuất chưa phải là câu trả lời thỏa đáng trước tình hình cấp bách về khí hậu mà chúng ta đã chứng kiến ở châu Âu. Tham vọng trong Thỏa thuận Xanh chưa đủ mạnh và các tổ chức phi chính phủ như Hòa bình Xanh kêu gọi giảm 65% khí thải vào năm 2030 và Ủy ban châu Âu mới chỉ đề xuất mức cắt giảm 50 đến 55%”.
Một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để gây quỹ thực hiện các mục tiêu mới về khí hậu. Để khuyến khích các nước khác cùng tham gia sáng kiến của EU, giới chuyên gia cho rằng, cần đưa ra cơ chế đánh thuế biên giới carbon, trong đó đánh thuế những mặt hàng nhập khẩu mà trong quá trình sản xuất phát thải ô nhiễm.
Những vấn đề gây bế tắc khác tại Hội nghị ở Madrid là vai trò của thị trường carbon, áp giá, thuế đối với khí thải như thế nào. Tới nay, thị trường carbon toàn cầu vẫn chưa được nhiều nước hưởng ứng, chỉ có 46 nước và hơn 30 thành phố, bang, vùng lãnh thổ thực hiện việc áp giá đối với khí thải CO2, (chỉ chiếm 20% tổng lượng khí thải toàn cầu hàng năm). Một điểm sáng khác tại hội nghị khí hậu năm nay ở Madrid là 84 nước đã cam kết tăng mục tiêu cắt giảm khí thải trong năm 2020 và thêm nhiều nước cam kết trung hòa carbon (giảm khí thải xuống 0 vào năm 2050)./.
Cần phải coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức
Tân Chủ tịch EC ưu tiên chống biến đổi khí hậu và châu Phi
Lớp băng 2 triệu năm tuổi tiết lộ bằng chứng về biến đổi khí hậu