Thông điệp chính trị và quân sự từ chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Mỹ

VOV.VN - Sau khi rời Ukraine, Tổng thống Mỹ có chuyến thăm 2 ngày tới Ba Lan – một đồng minh quan trọng của Mỹ trong NATO và là quốc gia đanh dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev. Đây là chuyến công du thứ 2 của ông Biden tới Ba Lan chỉ trong vòng chưa đến 1 năm.

Trong một động thái bất ngờ, ngày 20/2 Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Ukraine. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một tổng thống Mỹ tới vùng chiến sự, nơi không có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Theo giới quan sát, sự có mặt của ông Joe Biden tại thủ đô Kiev chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine ở thời điểm cuộc xung đột Nga-Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 2.

Sau khi rời Ukraine, Tổng thống Mỹ có chuyến thăm 2 ngày tới Ba Lan – một đồng minh quan trọng của Mỹ trong NATO và là quốc gia đanh dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev. Đây là chuyến công du thứ 2 của ông Biden tới Ba Lan chỉ trong vòng chưa đến 1 năm. Sự hiện diện của Tổng thống Joe Biden tại Ba Lan được cho là mang nhiều thông điệp về chính trị và quân sự của Mỹ và NATO đối với Ukraine. 

Tính biểu tượng và thực tế trong chuyến thăm của ông Biden

Trước hết phải nhắc tới chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ tới Kiev trong ngày 20/2 khi chỉ còn vài ngày trước khi kỷ niệm một năm cuộc xung đột nổ ra đã tái khẳng định cam kết kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Việc Tổng thống Mỹ tới Ba Lan dịp này cũng ở thời điểm vô cùng quan trọng, là dịp để củng cố tính thống nhất và sự đoàn kết của các đồng minh trong việc ủng hộ Ukraine cũng như gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ tới Tổng thống Putin trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Ba Lan cũng là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung và Đông Âu. Do đó, trong chuyện hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga, Ba Lan và Mỹ như hình với bóng. Chưa kể tới mối quan hệ đầy sóng ngầm giữa Ba Lan với Liên Xô trước đây và nước Nga hiện tại luôn được Mỹ và Phương Tây tận dụng để phục vụ cho các mưu tính chính trị riêng. Trên thực tế, Ba Lan là quốc gia tiên phong trong việc chống lại Nga cũng như có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Ba Lan có vai trò khá lớn trong việc giúp Mỹ củng cố và tăng cường sự hiện diện ở châu Âu và nâng cao tầm ảnh hưởng dẫn dắt cả khối NATO ví dụ như Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Ba Lan và hiện có khoảng 11.000 lính Mỹ đồn trú ở đó…

Bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu, chuyến công du lần này của Tổng thống Biden cũng là để trấn an Ba Lan, một đồng minh thân cận, cũng trở thành tiền đồn của EU và NATO trong cuộc đối địch Nga và các nước thành viên EU và NATO ở Đông Âu. Điều này cũng là lí do chính mà Tổng thống Biden sẽ nhóm họp với nhóm B9 (Bucharest Nine) bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lítva, Ba Lan, Romania, Séc, Hungary và Slovakia trong ngày 22/2. Qua đó, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, khích lệ các quốc gia sườn phía Đông NATO tiếp tục kiên định lập trường đối địch và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Quan điểm của các bên

Một trong những chương trình quan trọng trong chuyến thăm là Tổng thống Biden sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo định dạng B9 (Bucharest Nine) cũng như có bài phát biểu trước lễ kỷ niệm 1 năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tại đây, Tổng thống Biden sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết tới Kiev và các đồng minh trong khu vực trong một giai đoạn vô cùng khó khăn. Cuộc họp này được đánh giá là một cơ hội để Mỹ tập hợp các đồng minh trong khu vực và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ vững chắc đối với Ukraine.

Nhóm B9 gồm có những quốc gia tạo thành sườn phía đông của NATO và có nguy cơ gặp rủi ro an ninh lớn nhất do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, những quốc gia này đã có lập trường rõ ràng về việc ủng hộ Ukraine và chống lại Nga ngay từ khi cuộc xung đột nổ ra ngoại trừ Hungary. Do vậy, dự kiến các nước trong nhóm B9 và Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào chủ đề này bao gồm việc viện trợ cho Ukraine cũng như thảo luận các bước đi tiếp theo để tăng cường an ninh trong khu vực.

Theo Thủ tướng Séc Fiala, người sẽ tham dự cuộc gặp này cho biết ông và các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình của Ukraine, các vấn đề quốc phòng, hợp tác an ninh trong nhóm với Mỹ. Đây cũng là chủ đề được các quốc gia đặc biệt quan tâm vì Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của khu vực, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Các quốc gia như Litva, Latvia, Estonia và Slovakia đều cho biết đây sẽ là cơ hội để tăng cường đối thoại và tham vấn với các đồng minh hỗ trợ về quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine, tăng cường hợp tác về an ninh giữa các thành viên trong NATO với nền tảng mối quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương.

Mặt khác, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, trước những mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ cuộc xung đột, các nước cũng muốn có sự hỗ trợ cần thiết của Mỹ và các đồng minh trong trường hợp khẩn cấp. Đối với Ba Lan, quốc gia này luôn mong muốn sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ, cụ thể là sự hiện diện quân sự Mỹ tại Ba Lan cũng như tăng cường hỗ trợ vũ khí để đảm bảo an ninh quốc gia trước các mối đe dọa.

Ba Lan cần gì từ đồng minh Mỹ?

Việc xung đột sắp bước sang năm thứ 2 cho thấy những bất ổn và đe dọa an ninh đối với các quốc gia trong khu vực này là hiện hữu. Với vị trí địa lý của mình, Ba Lan rất cần sự hậu thuẫn vững chắc từ Mỹ bao gồm các vấn đề sau: nhân lực (khả năng tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan), vật lực (sự hỗ trợ, hay các hợp đồng mua bán vũ khí, đạn dược…) và tài chính (như sự hỗ trợ và kí kết các hợp đồng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng, khí đốt hay đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị máy móc hai chiều…) để đối phó với các cuộc khủng hoảng đang lan rộng toàn châu Âu.

Trong bối cảnh Ba Lan đang đầu tư vào việc phát triển năng lực quốc phòng, nhất là khi mục tiêu chi tiêu quốc phòng tăng lên tới 4% GDP trong năm nay, đây là mức đóng góp lớn nhất trong lịch sử của nước này trong NATO…. Thủ tướng Ba Lan đã khẳng định không có một quốc gia mạnh nếu không có quân đội mạnh. Ông cũng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy chính phủ Ba Lan phải tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ của mình, mà chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Ba Lan là cơ hội, là minh chứng rõ nhất để thực hiện mục tiêu này.

Chia sẻ với truyền thông, Thủ tướng Ba lan cũng cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Biden về khả năng tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan bao gồm việc tăng số lượng binh sĩ và kéo dài thời gian hoạt động. Như vậy có thể thấy, việc Ba Lan đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng là những toan tính củng cố vững chắc an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ bên ngoài đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang. Ngoài hợp tác quân sự, Ba Lan và Mỹ sẽ có thể thúc đẩy các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Chính phủ Ba Lan vào cuối năm 2022 đã chọn các công nghệ của Westinghouse để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các công ty của Mỹ cũng tham gia vào việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nhỏ của Ba Lan. Ngoài ra, nhập khẩu dầu diesel và nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng sẽ là một chủ đề quan trọng trong các cuộc hội đàm của hai người đồng cấp. Chuyến công du của Tổng thống Biden tới Ba Lan sẽ có ý nghĩa chính trị, quân sự đặc biệt cũng như là động thái để củng cố hơn nữa tinh thần đoàn kết với các quốc gia Đông Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hành trình bí mật từ Washington đến Kiev của Tổng thống Biden
Hành trình bí mật từ Washington đến Kiev của Tổng thống Biden

VOV.VN - New York Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương, sau đó di chuyển gần 10 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa từ Ba Lan đến thủ đô Kiev của Ukraine.

Hành trình bí mật từ Washington đến Kiev của Tổng thống Biden

Hành trình bí mật từ Washington đến Kiev của Tổng thống Biden

VOV.VN - New York Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương, sau đó di chuyển gần 10 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa từ Ba Lan đến thủ đô Kiev của Ukraine.

Ông Biden rời Kiev, kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Ukraine
Ông Biden rời Kiev, kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Ukraine

VOV.VN - Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Joe Biden đã rời khỏi thủ đô Kiev của Ukraine sau chuyến thăm mang tính lịch sử vào sáng 20/2.

Ông Biden rời Kiev, kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Ukraine

Ông Biden rời Kiev, kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Ukraine

VOV.VN - Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Joe Biden đã rời khỏi thủ đô Kiev của Ukraine sau chuyến thăm mang tính lịch sử vào sáng 20/2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Kiev để khẳng định cam kết với Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Kiev để khẳng định cam kết với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/02 đã bất ngờ có chuyến thăm tới Ukraine mặc dù Nhà Trắng trước đó đã phủ nhận thông tin này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Kiev để khẳng định cam kết với Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Kiev để khẳng định cam kết với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/02 đã bất ngờ có chuyến thăm tới Ukraine mặc dù Nhà Trắng trước đó đã phủ nhận thông tin này.

Mỹ báo trước cho Nga về chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden
Mỹ báo trước cho Nga về chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden

VOV.VN - Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington quyết định báo trước cho Moscow về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Kiev nhằm tránh nguy cơ xung đột.

Mỹ báo trước cho Nga về chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden

Mỹ báo trước cho Nga về chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden

VOV.VN - Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington quyết định báo trước cho Moscow về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Kiev nhằm tránh nguy cơ xung đột.