Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Cài đặt lại quan hệ, thu hẹp bất đồng với đồng minh lớn nhất
VOV.VN - Chuyến thăm của tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett tới Mỹ nhằm mục đích cài đặt lại quan hệ giữa chính quyền mới của 2 quốc gia đồng minh thân cận bậc nhất, trong bối cảnh nhiều bất đồng đã nhen nhóm, liên quan đến vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran và chủ quyền các khu định cư chiếm đóng.
Hài hước nhưng đầy tinh tế, Thủ tướng Israel đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp vừa diễn ra tại Mỹ rằng: “Tôi có tin tốt dành cho ông: hiện không có cuộc bầu cử nào tại Israel”.
Sau hơn 2 năm với nhiều cuộc bầu cử, Israel cuối cùng đã có 1 chính phủ liên minh hoàn toàn mới – khác hẳn so với 12 năm qua – nơi không có chỗ cho Đảng Likud của cựu Thủ tướng kỳ cựu Benjamin Netanyahu. Giờ đây, ông Bennett là Thủ tướng mới của Israel và ông muốn cài đặt lại mối quan hệ với đồng minh lớn nhất và quan trọng nhất của quốc gia này, giữa lúc xuất hiện những khác biệt về vấn đề hạt nhân Iran hay cuộc xung đột với người Palestine.
“Tôi đến Washington, để gặp Tổng thống Joe Bidden, một người bạn tốt và lâu đời của nhà nước Israel. Chúng tôi sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, nhưng trên hết chính là vấn đề Iran. Chúng tôi sẽ thảo luận về những tiến bộ mà Iran đã đạt được trong chương trình hạt nhân của mình trong hai, ba năm qua. Iran cũng hành động gây hấn trong khu vực. Tôi sẽ nói với Tổng thống Biden rằng đã đến lúc ngăn chặn các hành động của Iran, không nên cho họ một phao cứu sinh nào với việc ký kết quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Nó không còn phù hợp”, Thủ tướng Bennett nói.
Israel đang không muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 – nơi mà Mỹ đang kỳ vọng thỏa thuận sẽ là cơ sở, tiền đề để Mỹ hướng tới các cuộc đàm phán rộng hơn với Iran trong tương lai, bao gồm chương trình tên lửa và sức ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đàm phán trở lại đang gặp phải bế tắc, khi các bên liên quan chưa trở lại Vienna, Áo để đàm phán tiếp. Và chuyến thăm của Thủ tướng Israel như muốn tạo thêm “hòn đá tảng” nữa để ngăn Mỹ trở lại Viên đàm phán.
Tuy nhiên, giới quan sát và nhiều quan chức Mỹ thừa nhận, Thủ tướng Israel sẽ khó thay đổi lập trường của chính phủ Mỹ liên quan đến việc trở lại thỏa thuận hạt nhân ở thời điểm hiện tại. Tổng thống Mỹ sẽ lắng nghe, song chưa vội vàng quyết định. Ông Biden sẽ còn mối quan tâm khác trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel – đó là việc mở lại lãnh sứ quán tại Jerusalem để phục vụ người dân Palestine – nơi mà chính quyền tiền nhiệm Mỹ đã đóng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và là sự khác biệt lớn giữa hai nước.
Ngoài ra, Israel – Mỹ còn có những khác biệt liên quan đến vấn đề chủ quyền các khu định cư chiếm đóng, hay việc nối lại tiến trình đàm phán hòa bình trung đông, giải quyết xung đột Israel và Palestine thông qua giải pháp 2 nhà nước. Đây cũng là điều ông Bennett không hề ủng hộ trong quá khứ. Nhiều nguồn tin cho biết các vấn đề này sẽ không nằm trong trọng tâm chương trình nghị sự, do hai bên muốn bắt đầu quan hệ “mới”, chứ không phải khoét sâu bất đồng và căng thẳng.
Thay vào đó, sẽ như chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Israel mới đây, Mỹ sẽ vẫn cam kết hỗ trợ Israel về quân sự và bảo vệ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công của lực lượng Hamas tại dải Gaza.
Trong buổi tiếp Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết tăng cường hệ thống phòng không cho Israel, duy trì sự hỗ trợ để Israel có những lợi thế chất lượng quân sự vượt trội trong khu vực.
“Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ duy trì lợi thế chất lượng quân sự của Israel và đảm bảo rằng Israel có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa từ Iran, các lực lượng ủy nhiệm và các nhóm khủng bố mà Iran hậu thuẫn”, Bộ trưởng Austin cho biết.
Cuộc gặp trong ít giờ tới giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Mỹ sẽ được dư luận quan tâm, đặc biệt nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang hứng nhiều chỉ trích về việc rút quân vội vã khỏi đất nước Afghanistan, khiến chính quyền họ ủng hộ 20 năm sụp đổ nhanh chóng trước Taliban./.