Tình hình Thái Lan diễn biến phức tạp do đại biểu tình
VOV.VN - Cuộc đại biểu tình ở Thủ đô Bangkok đã ảnh hưởng tiêu cực tới chính trị, kinh tế và xã hội của nước này.
Trong ngày hôm nay (16/01) nhà lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã chỉ đạo cho các nhóm biểu tình tiến hành bao vây trụ sở của Cục điều tra đặc biệt Thái Lan và tất cả các cơ quan thuế ở Bangkok; bao vây và cắt điện, nước nhà riêng của các Bộ trưởng trong Chính phủ tạm quyền; đe dọa sẽ bao vây Tòa thị chính của các tỉnh ở Thái Lan.
Ngày 15/1, Chính phủ tạm quyền Thái Lan cũng đã tham khảo ý kiến của các chính đảng và các chuyên gia chính trị, pháp luật và khẳng định rằng sẽ tiếp tục tổ chức bầu cử Hạ viện theo đúng thời hạn ngày 2/2 tới.
Người biểu tình bao vây trụ sở Cục thuế ở Bangkok |
Tuy nhiên, đảng Dân chủ đối lập và ban lãnh đạo biểu tình vẫn gia tăng áp lực đòi Chính phủ tạm quyền từ chức, tiến hành cải cách trước khi có bầu cử.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan cũng khẩn trương thúc đẩy việc "định tội" các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ vi phạm pháp luật liên quan việc thông qua một số dự luật sửa đổi Hiến pháp.
Những động thái này làm tăng thêm mâu thuẫn giữa phe Chính phủ và phe đối lập, cũng như làm cho tình hình chính trị Thái Lan gia tăng căng thẳng.
Đêm 15/1, rạng sáng 16/1, Thủ đô Bangkok tiếp tục xảy ra một số vụ gây rối bạo lực nhằm vào người biểu tình. Các đối tượng gây rối đã ném lựu đạn tự chế và dùng súng bắn vào một số địa điểm biểu tình, nhưng không có ai bị thương vong. Trong khi đó, người biểu tình cũng đã bắt giữ và đánh đập 4 cảnh sát an ninh mặt thường phục đến theo dõi tình hình ở khu vực biểu tình.
Đáng chú ý, cuộc đại biểu tình "đóng cửa Bangkok" đã bắt đầu gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Thái Lan. Nhiều nước đã nâng cấp cảnh báo công dân của họ tới Thái Lan, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại và đầu tư.
Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Australia đã nâng cấp cảnh báo công dân nước này khi quyết định đến Bangkok và phải tránh xa các địa điểm biểu tình.
Theo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Thái Lan, diễn biến ngày càng nghiêm trọng của biểu tình chống Chính phủ đã khiến lượng khách du lịch nước ngoài đến từ tháng 11/2013 đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đã có 5 Hãng hàng không của Hong Kong, Trung Quốc, Singapore và Indonesia tuyên bố cắt giảm 81 chuyến bay tới Bangkok trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. Trong mấy ngày qua, lượng khách đến các sân bay của Bangkok giảm từ 12% đến 15%.
Đã có 45 chi nhánh ngân hàng ở Bangkok phải tạm ngừng hoạt động do lo ngại biểu tình. Trong khi đó, các trung tâm thương mại lớn ở khu vực biểu tình vẫn có thể mở cửa, song lượng khách du lịch nước ngoài đến mua sắm đã giảm tới 50%.
Các nhà cung cấp rau quả tươi ở ngoại thành cũng bị thiệt hại mỗi ngày khoảng gần 1 triệu USD do không bán được hàng ở nội đô Bangkok.
Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Thái Lan Phayungsak cho biết, một số nhà đầu tư lớn của nước ngoài đã quyết định tạm thời dừng đầu tư vào Thái Lan do lo ngại biểu tình kéo dài; trong khi các nhà đầu tư mới cũng lo ngại chính sách ưu đãi đầu tư của Thái Lan có thể bị thay đổi.
Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Thái Lan dự báo kinh tế Thái Lan năm nay có thể bị chững lại do bất ổn chính trị gia tăng./.