Tòa án Tây Ban Nha bác bỏ quyền tự quyết của Catalonia
VOV.VN - Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngày 25/3 tuyên bố dự thảo quyền tự quyết của Catalonia-một vùng tự trị của nước này, là vi hiến.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã đưa ra quyết định tương tự.
Đây được xem là một đòn mạnh giáng vào Đảng Dân tộc cầm quyền tại Catalonia khi Đảng này muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 9/11 tới.
Trong một phán quyết công bố ngày 25/3, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã bác bỏ toàn bộ tuyên bố chủ quyền mà Quốc hội vùng Catalonia thông qua hồi đầu năm ngoái, vốn được xem là nền tảng cho dự thảo về tổ chức trưng cầu ý dân.
Người dân Catalonia biểu tình phản đối quyết định của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha (Ảnh Reuters) |
Phán quyết nêu rõ, trong khuôn khổ Hiến pháp, một cộng đồng độc lập không thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết để quyết định sự hội nhập với Tây Ban Nha theo một thể thức đơn phương.
Vì thế dự thảo về quyền tự quyết của Catalonia là “không có hiệu lực và vi hiến”. Tuy nhiên, tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cũng thừa nhận quyết định của nhân dân Catalonia nếu nó phù hợp với Hiến pháp.
Chính quyền vùng Catalonia đã lập tức bác bỏ quyết định và cho rằng không có hiệu lực. Catalonia sẽ vẫn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân theo đúng kế hoạch.
Catalonia, nằm phía Đông Bắc của Tây Ban Nha, trong suốt chiều dài lịch sử luôn là khu vực giàu có nhất và công nghiệp hóa nhất của Tây Ban Nha, đồng thời là khu vực có tinh thần dân tộc cao nhất.
Theo các nhà phân tích, suy thoái kinh tế ở Tây Ban Nha đang thổi bùng lên ngọn lửa tự tôn dân tộc của người dân xứ Catalonia. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người dân nơi đây cảm thấy tức giận và thất vọng trước những chính sách không khoan nhượng của Chính phủ.
Ngoài Catalonia, vùng Basque và một số khu vực khác của Tây Ban Nha cũng bùng phát mạnh mẽ phong trào đòi ly khai.
Vì thế, nếu Chính phủ Tây Ban Nha không có các biện pháp mạnh mẽ và tình hình kinh tế nước này tiếp tục ảm đạm, một loạt khu vực khác cũng sẽ nối gót Catalonia và đẩy Tây Ban Nha vào bờ vực chia rẽ dân tộc./.