Tổng thống Mỹ gửi thông điệp tới Iran: “Hãy nắm lấy cơ hội lịch sử”
VOV.VN - Hôm qua (19/3) Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên thừa nhận các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã đạt bước tiến.
Tổng thống Obama nói: “Năm nay, chúng ta có cơ hội tốt nhất trong nhiều thập niên nhằm giải quyết những bất đồng. Thông điệp mà tôi muốn gửi tới nhân dân Iran rằng, cùng với nhau chúng ta hoàn toàn có thể đi tới một tương lai mà chúng ta mong muốn. Tôi tin rằng, Mỹ và Iran đang đứng trước cơ hội lịch sử để giải quyết vấn đề hòa bình và chúng ta không nên bỏ lỡ.”
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) quyết tâm theo đuổi đàm phán để chấm dứt hàng thập niên căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân Iran hồi cuối năm 2013, Tổng thống Obama công khai lên tiếng thừa nhận những bước tiến đạt được trong các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Obama phát đi thông điệp giữa lúc các cuộc đàm phán đang bước vào giai đoạn nước rút và giữa lúc có nhiều ý kiến hoài nghi về cơ hội thành công của các cuộc thảo luận không chỉ cho thấy thiện chí của Mỹ, mà còn là lời cảnh báo gửi tới Iran. Bởi ngay trước đó cùng ngày, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, Mỹ sẵn sàng buộc Iran phải trả giá hơn nữa nếu nước này không sẵn sàng giải quyết các mối quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Những ngày qua, các quan chức cả của Mỹ và Iran cũng liên tục có những phát biểu cho thấy, những bất đồng và mục tiêu đạt được thỏa thuận trước cuối tháng này là không hề dễ dàng. Sau cuộc gặp ngày hôm qua tại Thụy Sĩ, cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif dù khẳng định có những tiến triển trong đàm phán, song đều thừa nhận, vẫn còn những vấn đề rất gai góc chưa được giải quyết. Ngoại trưởng Iran thậm chí còn tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nào cho tới khi mọi vấn đề đều được các bên thống nhất và khẳng định cần phải có thiện chí chính trị để đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Vòng đàm phán hạt nhân hiện nay giữa Iran với các nước phương Tây dự kiến sẽ kết thúc vào ngày hôm nay và dù còn nhiều bất đồng, song nhiều nhà phân tích đều tin rằng, các bên sẽ không rời đàm phán với bàn tay trắng, bởi thỏa thuận khung chỉ là một phần của tiến trình. Các bên vẫn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đi tới một thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 6 tới.
Ông Kelsey Davenport, chuyên gia phân tích về giải giáp hạt nhân thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Áo nói: “Chắc chắn là các bên đang tiến gần tới một thỏa thuận. Song vẫn còn những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp và những thay đổi tại một khu vực cũng có thể ảnh hưởng tới những khu vực khác, tức là sẽ gây ra hiệu ứng Domino ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình”.
Kể từ khi đạt được thỏa thuận tạm thời hồi cuối năm 2013, mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song không thể phủ nhận có nhiều cơ sở để lạc quan về một thỏa thuận cuối cùng, mà trước tiên là nhận thức chung cho rằng đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Song cũng một thực tế khác không thể phủ nhận là những thay đổi tại khu vực đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đàm phán, mà mới đây nhất là cuộc bầu cử Quốc hội Israel.
Chính vì thế, nếu các bên không thực sự cho thấy quyết tâm chính trị thì tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran sẽ mãi chỉ là một tiến trình luẩn quẩn không lối thoát./.