Tổng thống Mỹ ra điều kiện để khôi phục viện trợ cho Palestine
VOV.VN - Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ không giải ngân khoản viện trợ cho Palestine chừng nào Palestine không chịu ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/1 yêu cầu chính quyền Palestine chấp thuận kế hoạch hòa bình của Mỹ và quay lại bàn đàm phán với Israel nếu muốn tiếp tục nhận được các khoản hỗ trợ tài chính. Trước đó một ngày, cũng chính ông Donald Trump thông báo «đã đưa vấn đề Jerusalem ra khỏi tiến trình đàm phán». Bước đi có phần ngược chiều này của người đứng đầu nước Mỹ đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Diễn đàn Davos. Ảnh: Haaretz. |
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/1 đã tỏ ý trách chính quyền Palestine phá hỏng chuyến thăm Trung Đông của phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cách đây vài ngày. Để thể hiện sự phản đối với quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, các nhà lãnh đạo Palestine đã quyết định tẩy chay chuyến thăm tới khu vực của phó Tổng thống Mỹ Mai Mike Pence diễn ra trong các ngày 20-23/1.
Theo người đứng đầu nước Mỹ, động thái này cho thấy sự thiếu tôn trọng của Palestine đối với Mỹ dù nhận hàng trăm triệu USD hỗ trợ của nước này. Ông đồng thời cảnh báo, số tiền hiện vẫn nằm trên bàn, song sẽ không được giải ngân chừng nào Palestine không chịu ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Theo Tổng thống Donald Trump vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán là Jerusalem và Mỹ đã rút Jerusalem ra khỏi tiến tình này, vì thế sẽ không còn gì phải bàn cãi nữa.
Các quan chức Palestine ngay lập tức bác bỏ những sức ép từ phía Tổng thống Donald Trump. Theo lãnh đạo Tổ chức giải phóng Palestine, việc từ chối gặp phó Tổng thống Mỹ không phải là sự thiếu tôn trọng, mà là sự tôn trọng đối với chính đất nước của mình. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat khẳng định, Jerusalem không thể nằm ngoài bàn đàm phán, đồng thời cho rằng, Mỹ đang đứng ngoài sự đồng thuận quốc tế :
«Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đã đưa Jerusalem ra khỏi bàn đàm phán có thể hiểu là hòa bình đã bị đưa ra khỏi bàn đàm phán. Đây là một sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng quốc tế, đối với luật pháp quốc tế khi công nhận cuộc tấn công và sự chiếm đóng của Israel. Điều mà người Israel và Palestine cần đó là một tiến trình hòa bình có thể dẫn tới giải pháp hai nhà nước, một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống hòa bình và an ninh bên cạnh một Nhà nước Israel”, ông Saeb Erekat cho biết.
Lâu nay quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel- Palestine. Israel coi thành phố này là thủ đô «vĩnh viễn và không thể chia cắt» của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai. Hầu hết quốc gia trên thế giới đều đặt Đại sứ quán tại Tel Aviv để Israel và Palestine tự quyết về quy chế cuối cùng với Jerusalem thông qua các thỏa thuận. Chính vì thế, bước đi có phần ngược chiều của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và có kế hoạch chuyển đại sứ quán về đây đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Ông Faisal Odeh Al-Rfouh, chuyên gia phân tích chính trị Trung Đông nói: “Những bước đi của chính quyền Mỹ thời gian qua đã khiến những người Arab, khiến thế giới nhận ra rằng, họ không thể tiếp tục tin tưởng vào sự trung lập của Mỹ trong vai trò hòa giải cho cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Arab. Giờ là lúc chúng ta cần tới một tác nhân khác, trung lập hơn. Đó có thể là Châu Âu, là Trung Quốc, là Nga, những nước thực sự muốn thúc đẩy hòa bình. Rõ ràng, Mỹ đã để mất vai trò của mình với tư cách một nước hòa giải trung lập tại Trung Đông”.
Rõ ràng, những bước đi của chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian vừa qua đã khiến tiến trình hòa bình Trung Đông vốn lâm vào bế tắc từ nhiều năm nay càng trở nên phức tạp hơn. Các cuộc biểu tình của người Palestine phản đối quyết định của Mỹ diễn ra gần như là hàng ngày.
Theo Liên Hợp Quốc, từ ngày 18/12 năm ngoái tới nay đã có 7 dân thường Palestine thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em trong các vụ đụng độ với binh sĩ Israel. Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolay Mladenov hôm 25/1 một lần nữa hối thúc các bên kiềm chế, đồng thời tái khẳng định, giải pháp hai nhà nước vẫn là phương án khả thi duy nhất để đạt được sự chấm dứt một cách công bằng và bền vững cho cuộc xung đột./.
EU ủng hộ khát vọng của Palestine có Đông Jerusalem là thủ đô
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về việc Mỹ cắt khoản hỗ trợ cho Palestine
Ảnh: Palestine chuẩn bị cho lệnh cắt viện trợ từ Tổng thống Mỹ Trump