Trẻ em là nạn nhân chính của hơn 62% vụ tai nạn bom mìn sau chiến tranh ở Lào
VOV.VN - Từ đầu năm tới nay, cả nước Lào xảy ra 25 vụ tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó trẻ em là nạn nhân của hơn 62% vụ việc.
Lào là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ cao trên thế giới. Trong những năm qua, Lào đã đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2024, Lào đã tiến hành khảo sát khoảng 19.000 ha đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, làm sạch 5.000 ha đất và phá hủy hơn 71.000 quả bom mìn, vật liệu nổ các loại.
Tuy nhiên, cả nước xảy ra 25 vụ tai nạn làm 39 người bị thương, 9 người chết, trong đó trẻ em là nạn nhân của hơn 62% vụ việc. Nguyên nhân chính gây tai nạn bom mìn là đùa nghịch với vật nổ, khai hoang, canh tác và tự động tháo, cắt lấy thuốc nổ.
Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn cho biết, ô nhiễm bom mìn đã gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là trong việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Lào cần thêm nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế.
Trong thời gian tới, Lào sẽ tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để đẩy nhanh việc thu gom, rà phá vật liệu nổ các loại, hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn. Chính phủ Lào đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ làm sạch 100.000 ha đất ô nhiễm.
Giai đoạn từ năm 1964 - 1973, hơn 2 triệu tấn bom tương đương hơn 270 triệu quả bom mìn các loại đã được thả xuống lãnh thổ Lào. Trong số đó, có khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ và vẫn đang bị chôn vùi tại nhiều khu vực trải khắp 18 tỉnh thành trên cả nước Lào.