Triển vọng nào cho đàm phán Mỹ-Iran?
VOV.VN - Dù tuyên bố trái chiều về dỡ bỏ trừng phạt, song cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đều đã mềm dẻo hơn rất nhiều so với cách đây chỉ 1 tuần.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 27/9 đã rời thành phố New York, Mỹ nơi diễn ra kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74. Dù không có một dấu hiệu ấm lên nào trong quan hệ giữa Mỹ và Iran, cũng như không có bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Hassan Rouhani và Tổng thống Donald Trump, song những phát biểu trái chiều của hai bên về khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã khiến cơ hội cho một cuộc gặp lịch sử như thế không hoàn toàn bị dập tắt.
Tổng thống Mỹ Donald rump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Middle East Eye |
Phát biểu sau khi rời thành phố New York, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Chính phủ Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống nước Cộng hòa Hồi giáo để đổi lấy đàm phán hạt nhân. Theo nhà lãnh đạo Iran, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc họp và Mỹ cho biết sẽ dỡ bỏ cấm vận. Vấn đề tranh cãi là những lệnh cấm vận nào sẽ được dỡ bỏ và người Mỹ đã nói rõ rằng sẽ dỡ bỏ tất cả.
“Mỹ và châu Âu đã nói rõ ràng rằng họ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, khuôn khổ hiện nay cho các cuộc đàm phán có thể trong tương lai là không thể chấp nhận được. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và sức ép tối đa, thì ngay cả khi chúng tôi chấp nhận đàm phán với Mỹ trong khuôn khổ P5+1 thì không ai có thể đoán được kết quả sẽ ra sao”, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh.
Trong khi đó, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khẳng định, chính Iran mới là bên chủ động yêu cầu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ để các bên có thể gặp nhau, song ông đã từ chối làm vậy.
Hơn 1 năm sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Chính phủ Mỹ không ngừng gia tăng các lệnh trừng phạt chống Iran, mà mới đây nhất là nhằm vào lĩnh vực ngân hàng của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, theo chính quyền Iran, Mỹ không chỉ dừng lại ở đó, mà tìm cách phong tỏa nguồn cung thuốc men và thực phẩn cho nhân dân Iran.
Từ tháng 5 vừa qua, Iran cũng đã bắt đầu cắt giảm cam kết đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân nhằm đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, cũng như nhằm gây sức ép với các nước châu Âu vẫn còn do dự. Tuy nhiên, theo Tổng thống Rouhani, việc Iran chấp nhận các cuộc thanh sát quốc tế là bằng chứng cho thấy nước này không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Một điều không khó nhận thấy là dù vẫn kiên quyết với lập trường của mình, song cả nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đã mềm dẻo hơn rất nhiều so với cách đây chỉ 1 tuần. Chính những phát biểu theo kiểu không khẳng định, cũng không phủ nhận của hai bên đã phần nào cho thấy họ không đóng sập cánh cửa với đối thoại./.