Trung - Ấn ký kết thỏa thuận làm giảm căng thẳng biên giới
VOV.VN -Thỏa thuận được ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Trung Quốc.
Ngày 23/10, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận nhằm làm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới. Thỏa thuận đạt được là kết quả của những nỗ lực không ngừng giữa 2 cường quốc nhằm phá vỡ bế tắc vốn tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua liên quan đến vùng lãnh thổ mà cả 2 cùng tuyên bố chủ quyền trên dãy Himalaya.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 23/10 (Ảnh: Reuters) |
Thỏa thuận trên được ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 90.000km2 ở khu vực 2 nước đang tranh chấp ở phía đông của dãy Himalaya. Trong khi đó, Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của nước này trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây Himalaya.
Trong lịch sử, 2 nước đã có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày vào năm 1962 khiến mối quan hệ sau đó giữa Trung Quốc và Ấn Độ luôn ở trong trạng thái ngờ vực. Đầu năm nay, Ấn Độ đã cáo buộc quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của nước này dưới danh nghĩa tiến hành các hoạt động tuần tra.
Trả lời các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Singh, ông Lý Khắc Cường nói: “Tôi chắc chắn thỏa thuận biên giới này sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực biên giới của chúng tôi”.
Một quan chức Ấn Độ tuần trước cho biết, thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới được xây dựng dựa trên các biện pháp xây dựng lòng tin sẵn có và được thiết kế để đảm bảo việc tuần tra dọc đường kiểm soát thực tế (hay còn gọi là đường biên giới chưa phân định) không leo thang thành các cuộc giao tranh.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng cho rằng, “thỏa thuận này sẽ bổ sung thêm các công cụ hiện có để bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới”.
Theo thỏa thuận mới được ký kết, 2 nước sẽ thông báo cho nhau về các cuộc tuần tra dọc biên giới, đảm bảo các cuộc tuần tra này không “bám đuôi” nhau để giảm thiểu khả năng đối đầu và sẽ thực hiện “kiềm chế tối đa” nếu 2 bên đối mặt nhau ở những khu vực có đường biên chưa rõ ràng.
Quân đội 2 nước được bố trí suốt dọc 4.000 km chiều dài biên giới từ cao nguyên Ladakh ở phía Tây đến các khu rừng thuộc Arunachal Pradesh ở phía Đông. Các quan chức của Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã đồng ý sẽ thiết lập đường dây nóng để có thể bám sát giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và kịp thời.
Thỏa thuận về vấn đề biên giới mà các nhà ngoại giao 2 nước đã được gấp rút hoàn thành trước khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sang thăm Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, đây chỉ là một bước tiến nhỏ trong mối quan hệ phức tạp Trung - Ấn.
Tháng 5/2013, quân đội 2 nước đã có 3 tuần căng thẳng ở phía Tây dãy Himalaya sau khi quân đội Trung Quốc dựng trại sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ khoảng 10km. Sự việc này gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ của người dân Ấn Độ, thậm chí họ còn kêu gọi Chính phủ phải có hành động cứng rắn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc quân đội nước này đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ.
Trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Singh, đầu tháng này, quan hệ 2 nước một lần nữa lại nổi sóng khi Trung Quốc chỉ đồng ý cấp thị thực rời cho 2 cung thủ Ấn Độ đến từ vùng tranh chấp Arunachal Pradesh khi 2 vận động viên tham gia một giải bắn cung ở Trung Quốc. Để đáp trả, New Delhi đã quyết định tạm ngưng thỏa thuận nới lỏng thị thực nhập cảnh của Ấn Độ với Trung Quốc vào phút chót.
Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường đã tìm cách xoa dịu căng thẳng khi tuyên bố: “Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nền văn minh lâu đời… Chính phủ của 2 nước chúng tôi có khả năng quản lý những bất đồng ở khu vực biên giới, để vấn đề này không làm ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể trong mối quan hệ song phương giữa 2 nước chúng tôi”./.