Trung Quốc 2014: Nỗ lực theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn”
VOV.VN - Ngoại giao của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ xu hướng chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “tích cực thể hiện”.
Năm 2014, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thực hiện 12 chuyến công du nước ngoài, đặt chân tới trên 30 quốc gia, gặp gỡ hàng trăm lượt lãnh đạo các nước trên thế giới, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác và tích cực tham gia giải quyết các “điểm nóng” quốc tế.
“Ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có”
Tại Hội nghị Công tác đối ngoại trung ương tổ chức tại Bắc Kinh trong 2 ngày 28-29/11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần có nền “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” và “công tác đối ngoại phải mang đậm sắc thái Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”.
Phát biểu trong Hội thảo “Tình hình thế giới – ngoại giao Trung Quốc 2014” do Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc tổ chức ngày 24/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, cụm từ “đặc sắc” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập có nghĩa là: Trung Quốc sẽ đi trên con đường của một cường quốc, nhưng khác với con đường mà các nước lớn truyền thống đã đi qua.
Ngoại giao nước lớn của Trung Quốc sẽ kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, phục vụ đắc lực nhiệm vụ hàng đầu là phát triển đất nước Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc khẳng định theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn”, được dư luận đánh giá là bước điều chỉnh lớn trong tư duy đối ngoại, dần từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” được nêu ra cách đây hơn 30 năm để chuyển sang thời kỳ “hành động thể hiện” và “ngoại giao nước lớn”.
Tham gia các sự vụ quốc tế
Trong năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc chủ trì và tham dự hàng loạt hội nghị quốc tế lớn, đưa ra nhiều khái niệm và đề xướng nhiều sáng kiến hợp tác như: Tại Hội nghị xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA) đưa ra khái niệm “giấc mộng châu Á- Thái Bình Dương” và “Quan điểm an ninh mới ở châu Á”, Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC đưa ra khái niệm “Cộng đồng vận mệnh” với các nước láng giềng và đề xuất thành lập Khu mậu dịch tự do châu Á –Thái Bình Dương…
Trung Quốc cũng chủ động tham gia giải quyết nhiều “điểm nóng” quốc tế như: viện trợ tái thiết Afganistan, viện trợ đối phó dịch Ebola, tham gia đàm phán hiệp định toàn diện vấn đề hạt nhân Iran, đưa ra đề xuất của Trung Quốc về tiến trình hoà bình Trung Đông…
Việc Bắc Kinh chủ động tham gia các sự vụ quốc tế và đề xuất các sáng kiến của mình nhằm tăng cường tiếng nói trên trường quốc tế, thể hiện vai trò và vị thế của một “nước lớn có trách nhiệm”, tạo lập nền tảng để Trung Quốc triển khai nền “ngoại giao nước lớn”.
Rạch ròi trong xử lý quan hệ với nước lớn
Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục coi trọng xử lý quan hệ với các nước lớn, song có sự phân định rạch ròi hơn đối với từng đối tượng cụ thể. Trung Quốc chủ trương siết chặt quan hệ với Nga, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Nga cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2014, nguyên thủ hai nước có ít nhất 6 lần gặp mặt ở các diễn đàn khác nhau trong năm qua… thể hiện rõ sự coi trọng của Trung Quốc đối với Nga, đưa quan hệ song phương lên mức “thân thiết nhất từ trước tới nay” theo cách nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc cũng coi trọng xử lý quan hệ với Mỹ, mời Tổng thống Mỹ Obama thăm chính thức Trung Quốc nhằm triển khai mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” trên thực tế. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn diễn biến không thuận lợi với xu hướng cạnh tranh và đối đầu ngày càng rõ nét.
Với Nhật Bản, Trung Quốc thể hiện rõ chủ trương cứng rắn trong xử lý tranh chấp chủ quyền và vấn đề nhận thức lịch sử, khiến quan hệ song phương diễn biến căng thẳng phức tạp. Theo Tờ Đại Công báo của Hong Kong, sự phân biệt rạch ròi cách ứng xử của Trung Quốc với các nước lớn đã hình thành cục diện “thân Nga, phòng Mỹ và xa Nhật”.
Cứng rắn trong đòi hỏi chủ quyền
Có thể nói, ngoại giao của Trung Quốc năm 2014 gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy ngoại giao Trung Quốc cũng còn nhiều những hạn chế.
Mặc dù Trung Quốc và Mỹ nhất trí xác lập khung quan hệ "nước lớn kiểu mới", nhưng va chạm và cọ xát chiến lược vẫn thường xuyên diễn ra với xu hướng phức tạp hơn, khiến quá trình triển khai mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Cách hành xử ngày càng tự tin, cứng rắn và thậm chí phi lý của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền khiến quan hệ giữa Trung Quốc với hàng loạt nước láng giềng chủ chốt xấu đi.
Trong năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản luôn trong tình trạng căng thẳng phức tạp. Mặc dù lãnh đạo cấp cao hai nước có cuộc gặp ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, song điều đó chưa đủ để giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Mặc dù giữa Trung Quốc và ASEAN cam kết tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), song trên thực tế Trung Quốc vẫn có những hành xử bất chấp luật pháp quốc tế khiến tình hình anh ninh Biển Đông diễn biến căng thẳng.
Trung Quốc tiếp tục phớt lờ không tham gia vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông, trong khi vẫn đẩy nhanh các hoạt động san lấp cải tạo các đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua khiến tình hình an ninh Biển Đông diễn biến căng thẳng.
Kiểm chứng bằng thực tế
Khép lại năm 2014 với những thành công nhưng cũng còn nhiều hạn chế, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trong năm 2015 sẽ thực hiện “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” và “kiên định đi trên con đường phát triển hoà bình”.
Phát biểu tại Lễ chiêu đãi chào mừng năm mới 2015 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ngày 11/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “Năm 2015, Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ nền hoà bình và phát triển của thế giới, tích cực tham gia xây dựng một nghị trình về sự phát triển chung, trong đó quan tâm hơn tới lợi ích các nước phát triển…”.
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế luôn đặt nhiều kỳ vọng vào sự đóng góp của Trung Quốc cho hoà bình và phát triển trên thế giới đúng như những gì lãnh đạo nước này tuyên bố.
Tuy nhiên, đóng góp của Trung Quốc đến đâu, việc Trung Quốc triển khai “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến hoà bình và an ninh trong khu vực? Tất cả những vấn đề trên cần phải chờ kiểm chứng qua hành động thực tế của Trung Quốc trong thời gian tới./.