Trung Quốc chuẩn bị xây các lò phản ứng hạt nhân dùng công nghệ nội
VOV.VN - Chương trình hạt nhân của Trung Quốc được cho là một trong các chương trình tham vọng nhất thế giới.
Truyền thông địa phương Trung Quốc cho hay, nước này vừa bật đèn xanh cho việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân sử dụng một công nghệ mới do chính nước này tự phát triển.
Thông cáo cho biết việc phê chuẩn này là “phù hợp với xu hướng năng lượng toàn cầu” và “sẽ giúp tối ưu hóa cơ cấu năng lượng của quốc gia và xây dựng một hệ thống năng lượng sạch đa dạng”.
Công nghệ “Hualong 1” là mới nhất trong các thiết kế lò phản ứng “thế hệ 3”, được cho là an toàn hơn các công nghệ trước đó do nó cho phép lò phản ứng tự tắt khi bị nóng quá mức. Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các lò phản ứng trong tương lai của nước này phải tuân thủ các tiêu chuẩn thế hệ 3 này.
Bắc Kinh từng ngừng việc xây các lò phản ứng đầu tiên để đánh giá độ an toàn của chương trình hạt nhân nước này sau sự kiện thảm họa kép tháng 3/2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở đông bắc Nhật Bản.
Chương trình hạt nhân của Trung Quốc được cho là một trong các chương trình tham vọng nhất thế giới. Các nhà quan sát trong lĩnh vực này cho rằng Bắc Kinh sẽ phê chuẩn 6 tới 8 lò phản ứng trong năm nay.
Ngành công nghiệp hạt nhân ở Trung Quốc nhận được động lực lớn từ hai lãnh đạo Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình – hai ông này đều coi ngành này đóng vai trò thiết yếu đối với tương lai của Trung Quốc.
Trung Quốc trước đó tuyên bố họ muốn sản xuất 150 gigawatt năng lượng hạt nhân trước cuối năm 2030 nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngành năng lượng sử dụng than đốt gây ô nhiễm môi trường./.
>> Xem thêm: Trung Quốc bành trướng thế lực ở châu Mỹ-Latin