Trung Quốc đang “bao vây” Nhật bằng ngoại giao?
VOV.VN - Hiện tại Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuyển hướng ngoại giao theo kiểu “tình sang lý” nhằm gây áp lực cho Nhật Bản.
Tháng 9/2012, một cuộc biểu tình lớn qui mô hơn 10.000 đã diễn ra trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những người biểu tình đã đốt Quốc kỳ Nhật Bản, kịch liệt phản đối hành động của Nhật Bản. Các trường học Nhật Bản tại Bắc Kinh phải đóng cửa. Không chỉ ở Bắc Kinh mà hơn 100 địa phương khác trên toàn Trung Quốc có những hành động đập phá đối với xe ô tô, cửa hàng của người Nhật Bản.
Việc Trung Quốc thiết lập Khu vực nhận diện phòng không ADIZ ngày 23/11/2013 cũng làm căng thẳng thêm quan hệ Nhật-Trung (Ảnh: AFP) |
Nhưng không khí của Trung Quốc hiện tại hoàn toàn khác. Đã qua hơn 20 ngày kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm viếng đền Yasukuni (ngày 26/12/2013), Trung Quốc vẫn im ắng, không có bất cứ cuộc biểu tình lớn nhỏ nào.
Theo Nhật báo Bắc Kinh, thay vào sự im ắng đó là đồng loạt Đại sứ Trung Quốc tại các nước trên thế giới lên tiếng phản đối hành động của Thủ tướng Abe. Mặt khác có những bài bình luận trên báo do các Đại sứ chấp bút phản ứng lại những tuyên bố của Nhật Bản liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một quan chức ngoại giao của Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc đã thay đổi chiến lược ngoại giao. Đối với Nhật Bản, Chủ tịch Tập đã thay đổi kiểu ngoại giao từ “tình sang lý”.
Trong một phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tọa đàm công tác ngoại giao với các nước trong khu vực, ông đã đưa ra phương châm ngoại giao “tiến cùng thời đại”. Với phương châm này Chủ tịch Tập Cận Bình đã “phá bỏ” chiến lược ngoại giao của ông Đặng Tiểu Bình vốn một thời gian dài là kim chỉ nam cho ngoại giao Trung Quốc.
Trên thực tế sau khi Thủ tướng Abe thăm đền Yasukuni vào ngày 26/12/2013, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa 4 ngày sau đã có bài viết trên báo Mainichi của Nhật phê phán hành động này của ông Abe. Không chỉ có vậy, Trung Quốc ngay lập tức đã tiến hành thảo luận, hoặc thông qua điện đàm bày tỏ lập trường của mình. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng 4 ngày sau đó, đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ trích hành động của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ “ảnh hưởng lớn tới trật tự thế giới”.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, tốc độ phản kháng của Trung Quốc đối với Nhật Bản ngày càng tăng với mục định kiềm chế sức mạnh của Nhật Bản, tích cực thực hiện chiến lược ngoại giao theo kiểu “nước lớn”. Do đó căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ trở thành vấn đề quan tâm của thế giới trong năm 2014./.