Trung Quốc “lật bài” sớm tại Đối thoại Shangri La
VOV.VN - Phái đoàn Trung Quốc đã sớm “lật bài” tại Đối thoại Shangri La lần thứ 15 khi phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông.
Hành động này đi ngược lại tinh thần của một đối thoại an ninh cởi mở và công bằng như Shangri La và đã vấp phải sự chỉ trích từ phía các học giả.
Tờ rơi mà đoàn Trung Quốc phát tại Đối thoại Shangri La năm nay gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, có nội dung hoàn toàn khác nhau. Trong khi tờ rơi tiếng Anh cung cấp thông tin về quá trình phát triển quân đội của Trung Quốc thì bản tiếng Hoa cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.
Nội dung tờ rơi viết: Các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.
Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhận định về động thái này của Trung Quốc, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng: “Có rất nhiều tài liệu Trung Quốc công bố về Biển Đông vốn không hoàn toàn là sự thật. Nên cần phải dựa vào các học giả và chính phủ các nước trên thế giới xem Trung Quốc có bóp méo sự thật hay không và thực tế Trung Quốc có rất nhiều cách để làm việc đó.”
Theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan. Trung Quốc còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhận định chung của các quan chức và học giả tham dự hội nghị.
Thứ nhất, về việc Trung Quốc mong muốn đàm phán trực tiếp hay thực chất là đàm phán song phương, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng đây là một biện pháp để giải quyết tranh chấp, nhưng không thể là phương án duy nhất. Đàm phán song phương chỉ có thể áp dụng nếu 2 bên cùng đồng ý giải quyết bất đồng, trong khi thực tế các học giả Philippines tại hội nghị đã chỉ ra rằng đàm phán song phương với Trung Quốc suốt 20 năm qua không mang lại kết quả nào, buộc nước này phải thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15. |
Thứ hai, về vai trò của ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Anh, các quan chức châu Âu, học giả phương Tây đều khẳng định rằng, tổ chức khu vực này sẽ là trung tâm của cấu trúc an ninh khu vực mà trong đó không thể không có vấn đề an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: “Chúng ta có 2 diễn giả rất quan trọng tại hội nghị lần này là Thủ tướng Thái Lan và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN ra sao. Nhưng rồi chúng ta lại thấy Trung Quốc nói rằng một số nước, trong đó có Lào, Campuchia và Brunei đã đồng ý với quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông nhưng những nước đó lại lên tiếng phản bác. Trung Quốc muốn tạo ấn tượng rằng cả thế giới ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh vốn không muốn quốc tế hóa vấn đề này nhưng chính hành động của họ đã quốc tế hóa vấn đề, khi lôi kéo các nước thực sự không liên quan lên tiếng về vấn đề Biển Đông”./.