Trung Quốc phong tỏa hầu hết thành phố lớn nhất đất nước để ngăn Covid-19 lây lan
VOV.VN - Trung Quốc đã bắt đầu phong tỏa hầu hết thành phố lớn nhất đất nước là Thượng Hải ngày 28/3 khi số ca mắc Covid-19 gia tăng giữa bối cảnh nước này đối mặt với những câu hỏi về tác động của chiến lược Zero Covid lên nền kinh tế.
Quận Pudong của Thượng Hải và những khu vực gần đó sẽ bị phong tỏa từ sáng thứ Hai (28/3) đến thứ Sáu (2/4) khi việc xét nghiệm toàn thành phố đang diễn ra, chính quyền địa phương cho hay. Trong giai đoạn 2 của đợt phong tỏa này, khu vực trung tâm thành phố ở phía Tây sông Huangpu sẽ bắt đầu phong tỏa 5 ngày từ thứ Sáu (2/4).
Người dân thành phố được yêu cầu ở nhà và các đồ phân phát sẽ được để ở các chốt kiểm tra nhằm đảm bảo không có sự tiếp xúc với bên ngoài. Các văn phòng và tất cả doanh nghiệp không thiết yếu sẽ bị đóng cửa trong khi các phương tiện giao thông công cộng phải tạm dừng.
Cùng với đó, nhiều khu dân cư trong thành phố 26 triệu dân bị phong tỏa này cũng được yêu cầu nộp các kết quả xét nghiệm Covid-19.
Thượng Hải đã phát hiện thêm 3.500 ca mắc Covid-19 ngày 27/3, mặc dù ngoại trừ 50 người thì tất cả những người dương tính với virus SARS-CoV-2 còn lại đều không có triệu chứng.
Trung Quốc phát hiện hơn 56.000 ca mắc Covid-19 trong tháng này với số ca mắc tăng nhanh ở tỉnh Cát Lâm, nơi chiếm phần lớn số ca mắc.
Nhằm phản ứng trước đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất trong 2 năm qua, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "Zero Covid năng động", đồng thời gọi đó là chiến lược ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Chính sách trên yêu cầu phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt, cũng như cách ly những người có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 tại nhà hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung. Chiến lược này tập trung vào việc xóa sổ sự lây lan của virus trong cộng đồng nhanh nhất có thể, đôi khi sẽ thực hiện phong tỏa toàn thành phố.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine ở Trung Quốc đạt khoảng 87% nhưng tỷ lệ này lại tương đối thấp ở những người cao tuổi. Dữ liệu quốc gia đầu tháng này cho thấy hơn 52 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc vẫn chưa nhận được bất kỳ mũi vaccine nào. Tỷ lệ mũi tiêm tăng cường tại Trung Quốc cũng ở mức thấp khi chỉ 56,4% những người từ 60 - 69 tuổi đã tiêm mũi tăng cường và 48,4% người từ 70 - 79 tuổi nhận được 1 mũi vaccine./.