Trung Quốc sẽ giám sát bức xạ khi Nhật Bản có kế hoạch đổ nước thải ra biển
VOV.VN - Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc hôm qua (5/7) tuyên bố phản đối kế hoạch đổ nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển của Nhật Bản, đồng thời cho biết đã triển khai giám sát môi trường đối với mức độ phóng xạ biển.
Tuyên bố của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo mới nhất về kế hoạch của Nhật Bản trong việc đổ nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện Fukushima Daiichi ra biển. Báo cáo tuyên bố kế hoạch của Nhật Bản “phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế”.
Tuyên bố của bộ này cho rằng, kế hoạch đổ nước thải ra biển của Nhật Bản còn nhiều vấn đề về độ tin cậy cơ sở thanh lọc và tính hoàn thiện của phương án giám sát, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc giám sát bức xạ là để cảnh báo kịp thời nhằm “bảo vệ thiết thực lợi ích quốc gia và sức khỏe người dân” trong trường hợp phát hiện bất thường.
Trước thông tin cho rằng lượng triti có trong nước thải từ nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cao gấp 6,5 lần so với trong nước thải nhiễm xạ từ Fukushima, bộ này cho rằng có sự khác biệt về bản chất giữa nước nhiễm xạ của Nhật Bản và chất thải lỏng từ hoạt động bình thường của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, do bắt nguồn từ các nguồn khác nhau, chứa các hạt nhân phóng xạ khác nhau và độ khó xử lý cũng khác nhau.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố cho rằng báo cáo của IAEA không phản ánh đầy đủ quan điểm của các chuyên gia tham gia đánh giá và kết luận không được tất cả các chuyên gia đồng tình. Bắc Kinh “lấy làm tiếc về việc IAEA công bố báo cáo một cách vội vàng”.
Trong khi đó, Tổng thư ký Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc Đặng Qua hôm 4/7 khi trả lời truyền thông trong nước dẫn số liệu do phía Nhật Bản công bố cho biết, hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) đã không hiệu quả trong việc loại bỏ các đồng vị phóng xạ như triti hay carbon-14 trong nước nhiễm xạ tại khu vực Nhà máy Fukushima Daiichi. Hơn 70% nước nhiễm xạ qua ALPS xử lý chưa đạt chuẩn xả thải và cần lọc lại. Do đó, Trung Quốc cho rằng cần phải thử nghiệm thêm để xác định xem đã loại bỏ được các chất phóng xạ hay chưa.