Trung Quốc tham vọng thúc đẩy đàm phán Israel và Palestine
(VOV) - Trung Quốc đang chủ trì Hội nghị quốc tế thúc đẩy việc nối lại đàm phán hòa bình Trung đông vốn bị đình trệ từ cuối năm 2010.
Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Nhưng hội nghị lần này cũng là cơ hội để các nước có liên quan chia sẻ quan điểm và tìm cách “phá băng” cho hòa bình Trung Đông. Bên cạnh đó, hội nghị cũng cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường vai trò của mình tại khu vực Trung Đông vốn còn nhiều bất ổn này.
Việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây đang là trở ngại chính cho hòa bình Trung Đông (Ảnh: AFP) |
Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho rằng, các bên cần phải đưa ra một biện pháp bền vững hơn để cứu vãn giải pháp hai nhà nước. Ông Mã Triều Húc nhấn mạnh: “Palestine có quyền không thể chối cãi đối với chủ quyền và độc lập. Nhưng quyền tồn tại của Israel cũng như các mối quan ngại của nước này về an ninh phải được tôn trọng”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban thực thi các quyền không thể xoay chuyển của người dân Palestine (CEIRPP), Abdou Salam Diallo vẫn bày tỏ lo ngại rằng, việc Israel không ngừng mở rộng các khu định cư kể từ năm 2010 đến nay sẽ khoét sâu những ngờ vực giữa 2 nước và “khai tử” cho giải pháp hòa bình hai nhà nước.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phải vượt ra khỏi khuôn khổ của những “cam kết suông” và xem xét các biện pháp thiết thực hơn để ngăn chặn Israel xây dựng các khu định cư bất hợp pháp.
Ông Diallo nhấn mạnh: “Có rất ít lý do để Palestine theo đuổi những thỏa thuận mới với Israel chừng nào nước này còn tiếp tục phớt lờ những cam kết đã có về vấn đề các khu định cư, nhà tù và đường biên giới năm 1967”.
Tại các cuộc gặp riêng lẻ với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Bắc Kinh hồi giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất bốn điểm cho hòa bình Trung Đông. Đề xuất này bao gồm việc ủng hộ thành lập nhà nước Palestine căn cứ vào đường biên giới năm 1967, khuyến khích đàm phán hòa bình Israel – Palestine, thúc đẩy tiến trình này bằng việc tán thành các nguyên tắc về đất đai và yêu cầu cộng đồng quốc tế đảm bảo hòa bình Trung Đông.
Có thể thấy, Trung Quốc đang muốn tăng cường vai trò ngoại giao của mình tại khu vực Trung Đông, nhằm khẳng định vai trò là một cường quốc trên thế giới. Trung Quốc hiện có mối liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ với cả Israel và Palestine. Có tới 15% khối lượng kinh tế Palestine phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đổi lại, Bắc Kinh cung cấp rất nhiều viện trợ kinh tế giúp Palestine xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Israel năm ngoái đạt đến 8 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với 50 triệu USD khi mới thiết lập quan hệ kinh tế cách đây 20 năm./.