Tương lai mù mịt của người phụ nữ Afghanistan
VOV.VN - Không được đến trường, không được đến nơi công cộng trừ khi đi cùng người thân là nam giới; bị cấm đảm nhận các vị trí trong chính phủ cũng như trong các tổ chức phi chính phủ… tương lai của người phụ nữ Afghanistan đang mù mịt hơn bao giờ hết sau những lệnh cấm hà khắc của chính quyền Taliban.
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bỏ rơi và lãng quên phụ nữ Afghanistan. Phụ nữ Afghanistan không nên tiếp tục bị trừng phạt nữa. Khi mọi người nói về nhân quyền, xin hãy ủng hộ họ và đừng bỏ rơi họ”.
Chị Bakhshi, giáo viên đang giảng dạy tại một trường đại học ở Afghanistan kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sự quan tâm đối với phụ nữ Afghanistan sau khi chính quyền Taliban ra chỉ thị cấm giáo dục đại học đối với nữ giới trên cả nước và cấm phụ nữ nước này làm việc trong các tổ chức phi chính phủ. Theo chị, đây là những quyết định đem lại sự thất vọng vì người phụ nữ Afghanistan sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội.
Trước đó, hôm 20/12, Bộ Giáo dục Đại học thuộc chính quyền Taliban thông báo lệnh đình chỉ giáo dục đối với nữ sinh. Tiếp đến hôm 24/12, Bộ Kinh tế Afghanistan yêu cầu các nhân viên nữ, cả người địa phương và người nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ NGO không được đi làm. Lý do được đưa ra là một số người đã không tuân thủ luật lệ Hồi giáo cũng như các quy định khác của chính quyền về trang phục dành cho nữ giới.
Những quyết định liên tiếp trong thời gian gần đây của Taliban về việc hạn chế quyền của người phụ nữ thực chất là sự nối dài những sắc lệnh nghiêm khắc của chính quyền này kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 8/2021. Từ việc cấm tất cả các trẻ em gái từ 12 tuổi trở lên đều không được phép đi học, đến cấm phụ nữ Afghanistan không được đến công viên, phòng tập thể dục, nhà tắm công cộng… chính quyền Taliban đang từ bỏ các cam kết khi lên nắm quyền bao gồm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Ông David Wright- Trưởng điều phối viên chương trình “Save the children” của Liên hợp quốc nhận định, các quyết định của Taliban là vô cùng hà khắc và ảnh hưởng đến quyền tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người phụ nữ Afghanistan do trong văn hóa Hồi giáo, có sự hạn chế tiếp xúc giữa đàn ông và phụ nữ.
“Để tiếp cận được với phụ nữ và trẻ em, bạn cần phải có nhân viên y tế nữ. Vì vậy nếu không có nhân viên y tế nữ, chúng ta sẽ không tiếp cận được với những người đó.. Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi không thể thực hiện công việc của mình nếu không có các đồng nghiệp nữ trong các lĩnh vực liên quan”, ông Wright nói.
Hiện chính sách của Taliban về hạn chế quyền của người phụ nữ cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ngoài những lời kêu gọi đảo ngược quyết định từ Liên hợp quốc, Anh, Pháp, Mỹ… ngày 28/12, Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế cũng đã có động thái được cho là cứng rắn hơn khi thông báo một số chương trình viện trợ mang tên “thời gian quan trọng” ở Afghanistan đã bị tạm dừng.
Đây mới chỉ là đòn “đáp trả” đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tạm dừng các chương trình viện trợ của Liên Hợp Quốc cũng không phải là biện pháp tối ưu, do đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong các chương trình này là phụ nữ và trẻ em Afghanistan./.