Tương lai nào cho các khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine?
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vẫn muốn viện trợ quân sự cho Ukraine dù vấp phải nhiều trở ngại tại Quốc hội.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm qua (17/2) đã có cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị An ninh Muních đang diễn ra ở Đức. Cuộc gặp được xem là cơ hội để Mỹ trấn an Ukraine sau khi khoản viện trợ mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất vừa bị Hạ viện Mỹ bác bỏ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc hội đàm ngày 17/2, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine khi nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo các nguồn lực và vũ khí mà Ukraine cần: “Chúng tôi muốn thấy Ukraine thoát khỏi xung đột với tư cách là một quốc gia tự do, dân chủ và độc lập. Như Tổng thống Joe Biden và tôi đã nói rất nhiều lần, chúng tôi sẽ ở bên các bạn cho đến chừng nào cần thiết.”
Đáp lại lời Phó Tổng thống Mỹ, Tổng thống Ukraine cho biết, trước khi gặp Phó Tổng thống Mỹ, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden. Theo Tổng thống Ukraine, khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lúc này là vô cùng quan trọng và ông tin tưởng và hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt.
“Gói hỗ trợ này rất quan trọng đối với chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi không có các lựa chọn khác để thay thế vì chúng tôi coi các bạn là đối tác chiến lược. Nếu chúng ta đang nói về một giải pháp thay thế, điều đó có nghĩa đó có nghĩa là các bạn không phải là đối tác chiến lược của chúng tôi. Tôi mong Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt.”
Cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Ukraine diễn ra trong bối cảnh chính giới Mỹ đang tranh cãi về việc liệu có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không. Từ nhiều tháng qua, nỗ lực viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã gần như bị tê liệt do tình trạng hỗn loạn tại Quốc hội. Mặc dù gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhưng ngay khi được chuyển đến Hạ viện- hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, dự luật đã bị bác bỏ.
Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ, khi Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 chiến sự.
Bên cạnh đó, năm nay là thời điểm nước Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, cũng đã nhiều lần phản đối các khoản viện trợ dành cho Ukraine. Theo đánh giá của giới quan sát, việc Ukraine có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Mỹ hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.