Đức khẳng định nhân vật đối lập số 1 tại Nga bị đầu độc
VOV.VN - Đức đã thông báo với EU và NATO về vụ việc để thống nhất hành động và các phản ứng tiếp theo đối với chính phủ Nga.
Ngày 2/9, Chính phủ Đức cho biết, nước này có đủ bằng chứng để khẳng định nhân vật chính trị đối lập tại Nga là Alexei Navalny đã bị đầu độc và yêu cầu Chính phủ Nga giải thích.
Trong thông báo chính thức, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, các kết quả xét nghiệm của một phòng thí nghiệm thuộc quân đội Đức cho thấy, nhân vật chính trị đối lập tại Nga là Alexei Navalny đã bị đầu độc bởi một chất độc thần kinh thuộc họ Novichok.
Đây là một chất kịch độc mà các nước phương Tây vẫn luôn cho rằng chỉ có các cơ quan tình báo cấp cao của Nga mới có thể sản xuất và sở hữu.
Ngay trong chiều 2/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tổ chức họp báo tại Berlin về vụ việc và cho biết, hơn bao giờ hết chính phủ Nga cần đưa ra lời giải thích: “Đại sứ Nga tại Đức đã được Bộ Ngoại giao Đức thông báo về phát hiện này. Chúng tôi chờ đợi chính phủ Nga giải thích rõ quan điểm của mình trong vụ việc này. Có rất nhiều câu hỏi khó khăn mà chỉ có chính phủ Nga mới có thể và buộc phải trả lời”.
Bên cạnh yêu cầu gửi đến chính phủ Nga, nữ Thủ tướng Đức cũng cho biết, bà đã thông báo cho các nước EU và NATO về vụ việc để thống nhất hành động và đưa ra các phản ứng tiếp theo đối với chính phủ Nga.
Trước đó, hôm 22/8, chính phủ Đức đã tiếp nhận Alexei Navalny, người được xem là nhân vật đối lập số 1 tại Nga, để điều trị sau khi người này có biểu hiện trúng độc và rơi vào hôn mê. Ngoài Đức, một số nước châu Âu như Pháp cũng đã ngỏ ý muốn tiếp nhận điều trị cho Navalny.
Ngay sau khi chính phủ Đức thông báo kết luận rằng ông Navalny bị đầu độc, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên tiếng chỉ trích rằng đó là một hành động “tội ác”, đồng thời yêu cầu phía Nga giải thích.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Nga, Dmitri Peskov đã phủ nhận các cáo buộc nhằm vào chính quyền Nga và cho biết phía Nga sẵn sàng hợp tác để điều tra vụ việc với chính phủ Đức. Một số nghị sĩ Nga cũng cho rằng kết luận của chính phủ Đức là một hành động khiêu khích chống lại Nga và chỉ trích phía Đức không cho tiếp cận thông tin như phía Nga yêu cầu.
Giới quan sát tại châu Âu nhận định, vụ việc này đang dần trở nên nghiêm trọng và có nguy cơ làm cho quan hệ vốn đã phức tạp giữa Nga và các nước châu Âu ngày càng xấu đi, trong bối cảnh hai bên đang căng thẳng vì cuộc khủng hoảng tại Belarus./.