Ukraine đưa ra yêu cầu đàm phán - Mỹ và châu Âu khởi động "tuần ngoại giao marathon"
VOV.VN - Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenski hôm qua (21/3) nhắc lại đề xuất đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vldimir Putin, trong bối cảnh xung đột giữa hai nước sắp bước sang tháng thứ 2 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã khởi động một loạt nỗ lực ngoại giao trong tuần này nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, với những hệ lụy ngày một sâu rộng.
Tổng thống Volodymyr Zelenski hôm qua cho rằng chỉ có đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vldimir Putin mới có thể chấm dứt xung đột. Ông đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào về đảm bảo an ninh cũng phải được đưa ra trưng cầu ý kiến của người dân: “Tôi tin rằng cho đến khi chúng tôi có cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Nga, sẽ không thể thực sự hiểu được họ chuẩn bị gì để ngăn chặn giao tranh này, và họ sẽ làm gì nếu chúng tôi chưa sẵn sàng thỏa hiệp”.
Trước đó một ngày, Tổng thống Zelensky cũng đưa ra đề nghị tương tự, song nhấn mạnh Ukraine sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” trong vấn đề lãnh thổ, bao gồm cả hai khu vực ly khai thân Nga. Ông gợi ý rằng Jerusalem có thể là địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình với Tổng thống Putin.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine, hai bên đã trải qua 3 vòng đàm phán trực tiếp và một số vòng đàm phán thông qua hội nghị truyền hình. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, thảo luận vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Moscow cáo buộc Kiev làm đình trệ các nỗ lực hòa bình khi đưa ra những đề xuất không thể chấp nhận:
“Tiến triển của các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không như mong đợi. Nga đang thể hiện sự sẵn sàng hơn so với phía Ukraine trong việc hướng tới một thỏa thuận. Vì vậy, còn quá sớm để nói về cuộc gặp giữa hai Tổng thống. Để xây dựng cơ sở cho một cuộc gặp như thế, vẫn cần phải đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán”.
Cũng trong ngày hôm qua, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp tại thủ đô Brussles, Bỉ, khởi động một loạt nỗ lực ngoại giao trong tuần này nhằm chấm dứt xung đột. Từ chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay cuộc họp của Hội đồng châu Âu, tất cả đều nhằm thống nhất phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như mối quan hệ với Nga.
Cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ hai. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, làm tê liệt đồng rúp và thị trường chứng khoán. Những bước bổ sung có thể là gì vẫn chưa rõ ràng, khi Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn đang đau đầu về những hệ lụy của các lệnh trừng phạt, cũng như nguy cơ tiềm tàng của một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn nếu mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Nếu như các biện pháp trừng phạt đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga, thì Mỹ và đặc biệt là châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, cũng không dễ dàng hơn. Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi một lệnh cấm rộng rãi hơn của các nước EU được dự báo sẽ đánh dấu một sự leo thang lớn không chỉ làm tổn thương Moscow, mà cả người tiêu dùng phương Tây. Dầu thô Brent Biển Bắc hôm qua giao dịch ở mức 114,55 USD/ thùng sau mức tăng kỷ lục 139 USD hồi đầu tháng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm./.