Ukraine kêu gọi NATO điều tàu đến Biển Azov
Ukraine gọi chính sách của Putin là "hung hăng" và kêu gọi phương Tây cùng nhau hỗ trợ họ trong phản ứng với Nga.
"Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia trong NATO sẵn sàng điều các tàu hải quân đến Biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29/11 nói với báo Bild của Đức, trước thềm chuyến thăm Berlin của Thủ tướng nước này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev ngày 26/11. Ảnh: AFP
Nga bắt 3 tàu Ukraine vào ngày 25/11, cáo buộc họ xâm nhập bất hợp pháp lãnh hải của mình ở Biển Azov, trong khi đó, Ukraine nói rằng tàu của họ hành động đúng theo luật pháp quốc tế.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng các lực lượng Nga đã hành động đúng đắn, còn Tổng thống Poroshenko cáo buộc rằng ông Putin "không muốn gì ngoài chiếm cứ vùng biển" và "ngôn ngữ duy nhất Putin hiểu là sự đoàn kết của thế giới phương Tây".
"Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách hung hăng của Nga. Đầu tiên là Crimea, sau đó là miền đông Ukraine, giờ ông ấy muốn cả Biển Azov", ông Poroshenko nói thêm. "Đức cũng phải tự đặt câu hỏi: Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu chúng ta không ngăn ông ấy?".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tuần yêu cầu Nga trả tự do cho tàu và thủy thủ Ukraine, cảnh báo Moscow rằng "hành động của họ sẽ dẫn đến hậu quả".
Tổng thống Poroshenko cũng chia sẻ rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel là một người bạn tuyệt vời của Ukraine. "Năm 2015, bà ấy đã cứu đất nước chúng tôi thông qua các cuộc đàm phán ở Minsk và chúng tôi hy vọng bà cùng các đồng minh khác sẽ một lần nữa ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ".
Quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai tại tỉnh Donetsk và Lugansk, nhưng Điện Kremlin bác bỏ. Chiến sự ở Đông Ukraine đến nay vẫn kéo dài mà chưa bên nào giành được lợi thế rõ ràng./.
Xung đột Nga-Ukraine có thể đi đến “chiến tranh toàn diện”