Xung đột Nga-Ukraine có thể đi đến “chiến tranh toàn diện”
VOV.VN - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng ông lo ngại về khả năng chiến tranh toàn diện với Nga sau va chạm giữa 2 nước cuối tuần qua.
Phát biểu trước các phóng viên Ukraine ngày 27/11, Tông thống Petro Poroshenko nói rằng, sự kiện hôm 25/11 là một “sự kiện bất thường” và các lực lượng quân sự Nga đang được triển khai dọc biên giới với Ukraine.
“Đó là lý do tôi không muốn bất cứ ai nghĩ rằng đây là chuyện đùa. Ukraine đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến tổng lực với Nga”, Tổng thống Poroshenko nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Sputnik |
Trước đó, Tổng thống Poroshenko nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết sẽ “hỗ trợ đầy đủ, trong đó có cả hỗ trợ quân sự” với Ukraine sau sự va chạm giữa Ukraine và Nga hôm 25/11.
Trả lời phóng viên CNN Christiane Amanpour, Tổng thống Poroshenko cho biết, trong cuộc điện đàm gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã cam kết “phối hợp đầy đủ” để bảo vệ chủ quyền Ukraine sau vụ đụng độ với Nga. Chính phủ Ukraine cũng đang xem xét hạn chế khả năng người Nga tới Ukraine trong quá trình thiết quân luật.
“Một trong những đề xuất với Tổng tham mưu trưởng và tư lệnh lực lượng kiểm soát biên giới là sẽ có một số hạn chế đối với người Nga tới Ukraine trong giai đoạn đặc biệt”, ông Poroshenko nói, đồng thời cho biết thêm, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong ngày 28/11.
Các thủy thủ bị bắt giam 2 tháng
Tuyên bố của Tổng thống Poroshenko đưa ra sau khi một tòa án ở Crimea ra lệnh giam giữ 2 tháng đối với 12 trong số các thủy thủ Ukraine bị bắt trong vụ đụng độ hôm 25/11. Động thái này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước.
Theo truyền thông Nga, một thẩm phán ở thành phố Simferopol của Crimea ngày 27/11 nói rằng, 12 thủy thủ này bị giam để chờ xét xử với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga. Những người này sẽ bị giữ theo lệnh bắt chính thức tại trung tâm giam giữ ở Simferopol cho tới ngày 25/1 năm sau. Quyết định đối với 12 thủy thủ còn lại sẽ được đưa ra trong ngày 28/11.
Quyết định đưa ra sau khi một vụ đụng độ giữa 2 nước xung quanh eo biển Kerch nối biển Azov và biển Đen, khi Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine và 24 thủy thủ Ukraine.
Ukraine và Nga đã chỉ trích nhau về sự việc này, cáo buộc đối phương vi phạm luật biển.
Ukraine nói rằng 2 trong số các pháo hạm nhỏ và 1 tàu kéo của nước này đã bị Hải quân Nga tấn công hôm 25/11 khi đi vào eo biển Kerch trên hành trình tới thành phố Mariupol. Đoạn video về sự việc này do phía Ukraine công bố cho thấy có vẻ như một tàu chiến Nga đã đâm tàu kéo của Ukraine.
Trong khi đó, Nga khẳng định 3 tàu của hải quân Ukraine đã xâm phạm trái phép vào lãnh hải Nga và phớt lờ các cảnh báo từ lực lượng biên phòng Nga. Moscow cáo buộc Kiev hành động như “kẻ gây hấn” và gọi đây là “hành động khiêu khích nguy hiểm” của nước láng giềng.
Eo biển Kerch, một vùng nước nông và hẹp, nối biển Azov với biển Đen và chạy giữa bán đảo Crimea và Nga. Đây là đường huyết mạch kinh tế quan trọng đối với Ukraine và nó cho phép tàu thuyền nước này tiếp cận biển Đen.
Đây cũng là điểm gần nhất của Nga với Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Cây cầu do Nga xây dựng bắc qua eo biển Kerch tới Criema đã thông xe từ tháng 5/2018.
Theo một thỏa thuận năm 2003, biển Azov và eo biển Kerch là vùng nước nội địa của Nga và Ukraine.
Ảnh: Tàu Nga nổ súng, bắt giữ 3 tàu Ukraine “xâm phạm lãnh hải“
Ukraine áp dụng thiết quân luật
Theo hãng thông tấn Ukrinform, ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu áp dụng tình trạng thiết quân luật từ ngày 28/11 ở một số khu vực trong vòng 30 ngày theo đề xuất khẩn cấp trước đó của Tổng thống Petro Poroshenko.
Trong một tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Poroshenko nói rằng, tình trạng thiết quân luật sẽ chỉ áp dụng ở các khu vực giáp giới với Nga, hoặc sát với các khu vực mà Nga triển khai binh sỹ Nga, khu vực giáp với biển Azov và biển Đen cũng như một phần biên giới với Transnistria của Moldova, nơi có binh sỹ Nga đồn trú.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, quyết định của Ukraine về việc áp dụng tình trạng thiết quân luật là nhằm che đậy cho mục đích chính trị, mặc dù ông nói thêm rằng đó là vấn đề nội bộ của Kiev.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine xấu đi sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga tháng 3/2014 và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine cùng năm đó.
Phản ứng của phương Tây
Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm giảm leo thang căng thẳng sau vụ đối đầu giữa Nga và Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã gọi sự kiện này là “sự leo thang bất cẩn của Nga” và yêu cầu Nga thả các thủy thủ Ukraine.
“Cản trở hoạt động đi lại hợp pháp của Ukraine qua eo biển Kerch là vi phạm luật quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng chỉ trích và không bao giờ chấp nhận điều đó”, bà Haley nói ngày 26/11.
Đại diện các nước EU tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Pháo, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển và Anh, cũng ra tuyên bố kêu gọi Nga khôi phục tự do đi lại ở eo biển Kerch./.
Quốc tế kêu gọi Nga và Ukraine đối thoại để giải quyết căng thẳng