Ukraine sắp nhận được gói viện trợ vũ khí 8 tỷ USD từ Mỹ bao gồm cả bom lượn
VOV.VN - Truyền thông đưa tin, Mỹ sắp công bố gói viện trợ trị giá 8 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó có bom lượn. Đây sẽ là một trong những cam kết viện trợ quân sự lớn nhất mà Kiev nhận được từ Washngton trong 31 tháng qua, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022.
Bom lượn là những quả bom từ thời Liên Xô, được gắn cánh và hệ thống dẫn đường để bay quãng đường dài với độ chính xác nhất định, cho phép các máy bay chiến đấu Nga thả chúng cách xa tầm với của hệ thống phòng không của Ukraine. Vũ khí được xem là "cơn ác mộng của Ukraine" bởi sức công phá lớn và khó bị đánh chặn, từng giúp Nga đạt được nhiều lợi thế trong các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Ukraine.
Kiev đang mong muốn được sở hữu loại bom có cánh nặng khoảng 500 kg (1.100 pounds) cho phi đội tương lai của mình gồm 85 máy bay chiến đấu F-16 cũ được châu Âu viện trợ. Tuy nhiên, bom lượn sẽ không được vận chuyển đến Ukraine "trong một sớm một chiều", bởi Mỹ cần phải thông qua nhiều điều kiện nghiêm ngặt trước khi dự luật viện trợ có được chữ ký của người đứng đầu Nhà Trắng.
Gói viện trợ này được thực hiện thông qua Quyền rút vốn đặc biệt của tổng thống (PDA) - một cơ chế cho phép Tổng thống Joe Biden huy động khí tài quân sự để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
PDA chỉ là một trong những thẩm quyền chi tiêu mà Nhà Trắng sử dụng để gửi vũ khí đến Ukraine. Chính quyền cũng khai thác một quỹ riêng theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), chi tiền cho các nhà thầu Mỹ để chế tạo vũ khí hoàn toàn mới trong khoảng thời gian kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm và vận chuyển chúng đến Ukraine sau khi hoàn thành.
Vũ khí được viện trợ theo cơ chế PDA thường là vũ khí cũ nhưng được vận chuyển nhanh. Vũ khí do USAI tài trợ thường mới nhưng có tốc độ vận chuyển chậm hơn. Kể từ năm 2022, Quốc hội đã phê duyệt 33 tỷ USD tài trợ cho USAI và 46 tỷ USD cho PDA.
Tuy nhiên, gói tài trợ PDA sẽ hết hạn vào cuối năm tài khóa 2024, chính xác là vào ngày 30/9. Quốc hội có thể gia hạn gói tài trợ này, song cần có đủ số phiếu từ đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện. Điều này rất khó thực hiện do sự chia rẽ bên trong nội bộ Mỹ, đặc biệt tại thời điểm cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần.
Trước đó, gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD chỉ mới đến tay Kiev vào đầu năm nay, sau 6 tháng bị "đóng băng" tại Hạ viện. Theo các nhà quan sát, cuộc phong tỏa tại Hạ viện đã làm cho lực lượng Ukraine bị thiếu hụt đạn dược quan trọng vào thời điểm then chốt trong xung đột với Nga. Đây được coi là một trong những yếu tố khiến Nga giành được quyền kiểm soát Avdiivka.
Trước thách thức như vậy, Nhà Trắng đã đưa ra kế hoạch chi hết toàn bộ số tiền còn lại của PDA trước thời hạn 30/9. Trong khi các khoản được rút ra từ PDA gần đây chỉ khoảng vài trăm triệu USD thì các khoản được rút vào phút chót sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là khoản cuối cùng được công bố vào ngày 26/9.
Nhà Trắng đang thực sự rút bớt vũ khí từ kho dự trữ của mình để chuyển giao cho Ukraine, trước cả khi Kiev yêu cầu Mỹ viện trợ thêm những loại vũ khí này. Đây là cách khả thi nhất để Tổng thống Biden tận dụng các khoản tiền PDA trước khi chúng hết hạn. Nếu ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tái đắc cử trong năm nay, có thể sẽ không có khoản PDA nào tiếp theo dành cho Ukraine.
Mỹ đã công bố hôm 25/9 rằng Mỹ cấp 375 triệu USD cho Ukraine, áp dụng Thẩm quyền của Tổng thống về sử dụng kho vũ khí. Gói viện trợ này sẽ bao gồm lần chuyển giao đầu tiên loại bom lượn được dẫn đường chính xác có tầm hoạt động lên tới 130 km, được gọi là Vũ khí tấn công chung. Ngoài bom lượn, gói này còn bao gồm đạn chùm cũng như đạn dược dành cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa Javelin và các loại tên lửa khác.