Vì Ukraine, Pháp dọa hủy hợp đồng bán tàu chiến cho Nga
VOV.VN - Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp cũng thừa nhận, việc mất hợp đồng này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Pháp.
Hãng tin RIA Novosti ngày 18/3 dẫn lời Ngoại trưởng Pháp cho hay, Paris sẽ xem xét hủy bỏ hợp đồng cung cấp 2 tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga nếu Moscow tiếp tục kích động leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp (Ảnh: RIA Novosti) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh TF1, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius đã lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý của Crimea hôm 16/3 vừa qua, đồng thời kêu gọi Nga ngay lập tức có các biện pháp để tránh leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Nga ký hợp đồng trị giá 1,4 tỷ euro mua 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral của Pháp vào tháng 6/2011. Chiếc tàu đầu tiên trong hợp đồng, được đặt tên Vladivostok dự kiến sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối năm 2014.
Chiếc thứ hai mang tên Sevastopol dự kiến được bàn giao trong năm 2015 và sẽ gia nhập Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea.
Ngoại trưởng Fabius nói: “Nếu ông Putin tiếp tục tình trạng như hiện nay, chúng tôi sẽ cân nhắc hủy các thương vụ này”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, việc mất hợp đồng này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Pháp.
Ông Fabius cho biết, một động thái như vậy có thể thuộc các lệnh trừng phạt kinh tế “giai đoạn 3” chống lại Moscow. “Hiện chúng tôi đang ở giai đoạn 2”, ông Fabius nói.
Ngoại trưởng Pháp cũng lên tiếng hối thúc Vương quốc Anh có “hành động tương tự đối với tài sản của các nhà tài phiệt Nga ở London”.
Tuyên bố trên của ông Fabius được đưa ra sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, trong đó hầu hết cử tri ủng hộ nước Cộng hòa tự trị này tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga.
Những người nằm trong danh sách của Mỹ và châu Âu bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và các quốc gia thành viên EU, đồng thời tài sản của họ sẽ bị đóng băng.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có tuyên bố cho rằng, việc áp dụng lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể gây ảnh hưởng cho chính các quốc gia và tổ chức đưa ra biện pháp này, vì trong thế giới hiện đại, mọi thứ đều có mối liên hệ phụ thuộc, ràng buộc lẫn nhau./.