Vụ Skripal: Căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có hồi kết
VOV.VN - Phương Tây vẫn kiên quyết giữ lập trường cứng rắn, trong khi Nga khẳng định sẽ đáp trả việc các nước trục xuất các nhà ngoại giao của Moscow.
Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh tiếp tục gia tăng khi mà các nước phương Tây muốn giữ lập trường “cứng rắn lâu dài” nhằm ngăn ngừa một hành động “tái diễn” từ phía Moscow. Trong khi đó, giới chức Nga hôm qua tiếp tục khẳng định, hành động đáp trả các nước phương Tây về việc trục xuất các nhà ngoại giao của nước này là điều “chắc chắn”.
Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh tiếp tục gia tăng. Ảnh: Sputnik
Dẫu vậy, một cuộc điều tra chung về vụ việc mà phía Nga đang kêu gọi Anh hay một cơ chế điều tra chung của Liên Hợp Quốc do Mỹ vừa mới đề xuất đang là hy vọng “duy nhất” có thể làm “tan băng” những căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa các bên.
19 trong tổng số 28 quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác đã quyết định trục xuất gần 150 nhà ngoại giao Nga, nhằm ủng hộ quan điểm của nước Anh liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Skripal bị đầu độc trước đó.
Theo nguồn tin từ châu Âu, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ tiếp tục thảo luận về những căng thẳng ngoại giao với Nga vào ngày 16/4 tới, với hy vọng có thể duy trì các biện pháp trừng phạt “cứng rắn lâu dài” đối với Moscow. Tuy nhiên, một “lằn ranh đỏ” về việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga cũng đã được EU chỉ rõ là các nước châu Âu sẽ không được đi quá xa, để tránh trở về thời kỳ “chiến tranh lạnh”.
Còn về phía Nga, nước này hôm qua tiếp tục khẳng định sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả vào một thời điểm thích hợp, đồng thời yêu cầu Anh và các nước ủng hộ London đưa ra các bằng chứng khi cho rằng Nga đứng đằng sau vụ việc.
Người phát ngôn điện Kremlin nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, các quốc gia thể hiện tình đoàn kết với Vương quốc Anh và đưa ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao của chúng tôi, sẽ thấy được sự cần thiết phải xem xét lại thông tin mà họ đã nhận được có “đáng tin cậy” hay không. Hãy đưa ra bằng chứng khi cho rằng Nga có liên quan đến vụ việc tại Salisbury.”
Nga yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố kêu gọi Anh hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra Nga để làm rõ vụ việc. Tuyên bố nêu rõ Ủy ban điều tra của Nga đã khởi tố hình sự vụ giết hại có chủ đích nữ công dân Nga Yulia Skripal – con gái cựu điệp viên Skripal, đồng thời cũng soạn thảo xong yêu cầu hỗ trợ hợp tác với phía Anh.
Tuyên bố thậm chí còn cáo buộc chính quyền Anh không có khả năng bảo vệ an toàn cho công dân Nga trên lãnh thổ của mình, cũng như không quan tâm đến việc làm rõ động cơ đích thực của kẻ đã gây ra tội ác. Do đó, Nga đang nghi ngờ “ngược lại” khả năng cơ quan tình báo Anh có liên quan đến vụ này.
Nhiều Nghị sĩ Nga hôm qua cũng lên tiếng yêu cầu Anh cung cấp bằng chứng cho các cáo buộc của nước này nhằm vào Nga. Theo đại diện ngoại giao của Nga tại Anh, gần 160 quốc gia trên thế giới - những nước thuộc và không thuộc khối đồng minh phương Tây với Anh cũng đã đưa ra lời đề nghị tương tự.
Trước những diễn biến trên, hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ – quốc gia trục xuất nhiều nhất nhân viên Ngoại giao Nga, đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một Cơ chế chung để điều tra các vụ việc tương tự như trường hợp cựu điệp viên Skripal. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh, Washington muốn sớm kết thúc cuộc điều tra do Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đang tiến hành tại Anh. Theo bà Nauert, Mỹ cũng hy vọng rằng Nga sẽ nhất trí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về một cơ chế giống như Cơ chế điều tra chung mà Liên hợp quốc từng thành lập, để điều tra vụ việc.
Theo thông tin điều ra mới nhất từ cảnh sát Anh, cựu điệp viên Nga Skripal và con gái ông này nhiều khả năng bị phơi nhiễm chất độc thần kinh ngay tại khu vực cửa trước nhà của họ./.
Ai được lợi từ vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal?