Học hết lớp 9 vẫn có bằng cao đẳng, đại học
VOV.VN -Với mô hình đào tạo nghề 9+, học hết bậc THCS, học sinh được miễn hoàn toàn học phí học trung cấp và được học tiếp lên cao đẳng, đại học.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trên thế giới, tỷ lệ phân luồng vào học nghề rất cao, luôn đạt trên 50%. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản,... học nghề sớm là sự lựa chọn được ưu tiên, mô hình đào tạo nghề 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp THCS được triển khai rất thành công và đã tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước.
Theo mô hình đào tạo 9+, học hết THCS, học sinh được học tiếp lên Trung cấp, Cao đẳng, đại học. (Ảnh: KT) |
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn thấp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân thẳng thắn chỉ ra rằng, trong một thời gian dài, tâm lý chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp, dẫn đến hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển thị trường lao động. Hệ quả là luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt.
Chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy.
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, cần nhanh chóng phá bỏ lối tư duy này. Chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học. Ngay tại Đức và Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.
Theo ông Quân, tại Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo nghề 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
"Mô hình 9+ thực hiện theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm như chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 15-18 tuổi. Lựa chọn thứ 2 là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 +2, 9 +3, 9+4, 9+ 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia.
Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Sau này nếu có nhu cầu các em học tiếp để lấy bằng Đại học”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Do đó, từ năm học 2018, Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi các trường trung cấp, trường cao đẳng, yêu cầu nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cao đẳng liên thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học các trường trung cấp.
“Chương trình này được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15 - 16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề. Học sinh có thể dừng lại bất cứ lúc nào để bước vào thị trường một cách linh hoạt. Hoặc sau khi có điều kiện, học sinh có thể học tiếp để hoàn thành chương trình liên thông trung cấp, cao đẳng; tránh cắt khúc học lại từ đầu và học tiếp khi có điều kiện”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm.
Nói thêm về những chính sách cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, ông Quân cho hay, học sinh được miễn hoàn toàn học phí khi học tiếp lên trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, người học sau tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng.
Thực tế hiện nay, các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng). Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng được cầu./.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, những ngành nghề trong những năm gần đây và thời gian tới có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam gồm: Công nghệ thông tin; Marketing; Quan hệ công chúng; Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điều dưỡng, Hộ sinh, Chăm sóc sắc đẹp, Lập trình viên, Các ngành, nghề thuộc lĩnh vực hàng không (Lái máy bay, tiếp viên hàng không...).
Lao động học nghề sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng?
Học nghề gì để không lo thất nghiệp?
Nhiều học sinh đỗ đại học bỏ sang học nghề