Pháo sáng ở sân Hàng Đẫy như thể “sự kiện 11/9” của bóng đá Việt Nam
VOV.VN - 18 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở nước Mỹ, bóng đá Việt Nam đã có một “sự kiện 11/9” của riêng mình khi Hàng Đẫy thất thủ vì pháo sáng.
Hơn 1 năm trước, những người nông dân ở Quảng Xương, Thanh Hóa bất ngờ trở thành “hiện tượng” trên mạng xã hội. Họ bắt một tên côn đồ mang theo vũ khí về cánh đồng làng đòi tiền bảo kê.
Sau sự việc, nhà báo Phạm Trung Tuyến có bài viết về những cánh đồng bơ vơ, nơi những ngôi làng chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ em vì lực lượng lao động đã bị hút theo dòng chảy kinh tế về các thành phố hay khu công nghiệp.
Những cánh đồng bơ vơ, những người nông dân yếu đuối trở thành mục tiêu bắt nạt của những tên côn đồ. Chúng tự tin hoành hành cùng nạn bảo kê trên đồng ruộng. Nhóm nông dân ở Quảng Xương, Thanh Hóa đã may mắn khi chống trả thành công và khống chế được tên côn đồ lực lưỡng.
Tác giả kết thúc bài viết bằng câu hỏi: “Mai, kia, chúng có thể vào tận những ngôi làng hoang vắng, nơi chỉ có những người già bơ vơ và những ngôi nhà lớn. Ai sẽ bảo vệ họ?”
Sự tự tin của những tên côn đồ trên đồng ruộng chắc cũng giống với những kẻ gây rối trên sân Hàng Đẫy.
Nhiều năm nay, sân Hàng Đẫy giống như một “cánh đồng bơ vơ” của bóng đá Việt Nam, nơi những tên côn đồ cứ đến rồi đi, ngang nhiên tác oai tác quái. Chúng đi thành đoàn, tràn về Thủ đô, gây náo loạn đường phố, vào sân quậy phá đốt pháo sáng vô tội vạ, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng rồi về nhà khoe chiến tích trên mạng xã hội.
Trên sân Hàng Đẫy, trên những đường phố Hà Nội người ta thấy những đám đông điên cuồng và manh động. Nhưng trong những phát biểu của các bên liên quan đó chỉ là “một bộ phận CĐV quá khích, không đại diện cho số đông”.
Những người có trách nhiệm dường như theo xu hướng “dĩ hòa vi quý” và hay kêu oan khi Ban kỷ luật đưa ra án phạt sau những sự cố trên khán đài. Những kẻ xấu xa, mượn cớ cổ vũ bóng đá để gây rối thì không biết chùn tay là gì.
Nữ CĐV bị thương được đưa đi cấp cứu trong vụ việc trên sân Hàng Đẫy. (Ảnh: Vy Vũ) |
Tối qua, tròn 18 năm sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở nước Mỹ, bóng đá Việt Nam đã có một “sự kiện 11/9” của riêng mình, khi một quả pháo sáng được bắn từ khu vực CĐV Nam Định ở khán đài B sang khán đài A, khiến một khán giả nữ phải nhập viện cấp cứu.
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều quả pháo sáng được đốt, được ném, được bắn đi từ khu vực CĐV Nam Định trên sân khán đài Hàng Đẫy. Ngày 11/9/2019 sẽ là vết nhơ trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Trước trận đấu đã có những thông tin về việc thắt chặt an ninh, họp hội CĐV hai đội, thống nhất phương án ba không: “Không pháo sáng, không cổ vũ thiếu văn hóa, không vứt vật thể lạ xuống sân”. Giờ đọc lại những thông tin ấy, đúng là cười ra nước mắt.
Sân Hàng Đẫy nhỏ bé, nằm giữa Thủ đô Hà Nội, vây quanh bởi những con phố có mật độ giao thông và dân cư đông đúc. Việc phong tỏa các tuyến đường xung quanh sân để thiết lập hệ thống kiểm tra an ninh như trong trận Việt Nam gặp Campuchia ở AFF Cup 2018, vào giờ tan tầm của một ngày giữa tuần là phương án kém khả thi và thực tế đã không được áp dụng.
Nhưng người ta vẫn để trận đấu bù vòng 22 V-League 2019 giữa Hà Nội FC và Nam Định được diễn ra vào một thời điểm không khả thi để triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho trận đấu. Người ta đã điều chỉnh mãi mới chốt được thời điểm tổ chức trận đấu này, nhằm phục vụ lịch trình của ĐT Việt Nam ở Vòng loại World Cup và Hà Nội FC ở AFC Cup.
Thành tích tốt của các cấp độ ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo và Hà Nội FC ở những giải châu lục là động lực chính cho sự hồi sinh của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua, là thỏi nam châm kéo khán giả đến sân. Đáng tiếc, tốc độ chuyên nghiệp hóa trong khâu tổ chức trận đấu, giải đấu lại không theo kịp tốc độ tăng trưởng về số lượng khán giả.
Trận đấu Hà Nội FC 6-1 Nam Định đã 2 lần bị gián đoạn vì cơn mưa pháo sáng. (Ảnh: Dương Thuật) |
Thực ra, trong các cuộc họp tổng kết mùa giải bóng đá Việt Nam, (gần như) chẳng có ai đặt ra mục tiêu cụ thể rằng “chúng ta muốn có bao nhiêu khán giả đến sân” và “làm thế nào để đảm bảo an toàn cho họ”. Những câu nói chung chung kiểu “biến mỗi trận đấu thành một ngày hội” mới là lựa chọn phổ biến cho các bài phát biểu.
Định nghĩa về tiêu chuẩn chuyên nghiệp “lấy bóng đá nuôi bóng đá” vẫn là giấc mơ chưa thành sự thật của bóng đá Việt Nam khi các đội bóng phụ thuộc vào doanh nghiệp tài trợ. Nam Định chính là ví dụ tiêu biểu nhất, họ lâm vào tình trạng khó khăn tài chính từ cuối mùa 2018, suýt nữa không thể tham dự V-League 2019 và chỉ thoát hiểm vào phút chót khi tìm được nguồn tài trợ.
Bây giờ, doanh nghiệp tài trợ cho Nam Định có vẻ như sẽ là “người phán xử” phù hợp nhất trong vụ việc “như khủng bố” trên sân Hàng Đẫy. Thương hiệu của doanh nghiệp này, giờ gắn liền với sự cố pháo sáng của nhóm CĐV quá khích Nam Định.
VFF sẽ gửi hồ sơ sang công an để điều tra hình sự. Kẻ đã bắn quả pháo sáng khiến nữ CĐV bị thương phải đi cấp cứu có thể sẽ bị trừng trị. Những án phạt nặng sẽ được đưa ra. Nhưng đám đông những kẻ gây rối liệu có biến mất vĩnh viễn các khán đài? VFF, VPF có thể đảm bảo trận đấu nào cũng có chốt kiểm tra an ninh?
Còn nếu doanh nghiệp đang tài trợ cho Nam Định rút lui, để bóng đá Nam Định “chết” trong khó khăn tài chính, thì khả năng cao là “một bộ phận CĐV Nam Định quá khích” sẽ không xuất hiện nữa./.