Căng thẳng Nga-phương Tây: Nguy cơ chiến tranh cận kề?
VOV.VN - Đàm phán Nga-phương Tây kéo dài gần 1 tuần qua kết thúc mà không có đột phá. Những vấn đề an ninh sống còn của Nga (ngăn NATO mở rộng sang phía Đông, tương lai Ukraine...) chưa được đáp ứng khiến dư luận lo ngại nấc thang căng thẳng mới giữa 2 bên, với cảnh báo về giải pháp quân sự.
Ukraine hôm qua (14/1) thông báo xảy ra một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các trang web của chính phủ nước này và có nhiều dấu hiệu liên quan đến các nhóm tin tặc tại Nga. Trong một biện pháp bảo vệ Ukraine, NATO cho biết sẽ ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai bên trong những ngày sắp tới. Hiện cũng có nhiều thông tin Nga cử "đặc nhiệm" tới khu vực miền Đông Ukraine để chuẩn bị cho "hành động khiêu khích", có thể châm ngòi cho một cuộc tấn công.
Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonh Kirby nhấn mạnh: “Có rất nhiều thông tin như chúng ta đã từng chứng kiến vào thời điểm năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Không quá đi sâu vào chi tiết nhưng chúng tôi có nhận được thông tin về việc Nga đang tích cực có những hành động gây lo ngại tại Ukraine”.
Các cụm từ chiến tranh đang được các nhà ngoại giao phương Tây đưa ra, với việc Mỹ cảnh báo cần chuẩn bị cho khả năng leo thang căng thẳng với Nga sau một tuần đối thoại không đạt được kết quả.
Nga hiện vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng thông tin Nga đang chuẩn bị thực hiện một chiến dịch "cờ giả" để tạo cớ tấn công Ukraine là không có căn cứ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh phản ứng của Nga sẽ được đưa ra sau khi nhận được phản hồi về những đề xuất an ninh bằng văn bản của Mỹ: “Tôi hi vọng các bên có thể tiếp tục các cuộc đối thoại. Nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào phản hồi của Mỹ, câu trả lời cụ thể bằng văn bản cho các đề xuất của Nga".
Hiện có nhiều kịch bản giới chuyên gia đặt ra, với nhận định việc tiến hành đàm phán với phương Tây của Nga chỉ là "cái cớ" để Nga thúc đẩy hành động quân sự tại Ukraine. Trong khi đó, Mỹ và NATO cũng có thể hi vọng với sự hỗ trợ vũ khí, phương tiện, ngoại giao, Ukraine đủ sức đối đầu, lôi kéo Nga vào cuộc chiến cục bộ và bị sa lầy.
Tuy nhiên xét cho cùng vào thời điểm này giới chuyên gia nhận định cả Mỹ, đồng minh của họ, và Nga đều không thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, mà hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc. Mỹ và NATO khó có thể đưa ra cam kết pháp lý bằng văn bản cụ thể với Nga về những vấn đề an ninh quan trọng như chấm dứt mở rộng NATO sang phía Đông hay không kết nạp Ukraine, nhưng có khả năng Mỹ sẽ đưa ra một số thỏa hiệp, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên.
Các kịch bản đang rất khó đoán định và dư luận đang chờ đợi phản hồi chính thức từ phương Tây bằng văn bản tới Nga về các đề xuất an ninh, dự kiến đưa ra trong những ngày sắp tới và hành động tiếp theo của các bên liên quan./.