Số phận nghiệt ngã đằng sau ánh hào quang của VĐV Việt Nam
VOV.VN - Đằng sau những tấm HC mang vinh quang về cho Tổ quốc, ít ai biết những VĐV Việt Nam phải đấu tranh với sự sống và mưu sinh sau khi giải nghệ.
1. “Nữ hoàng điền kinh” Vũ Bích Hường với số phận nghiệt ngã
Chị là một “tượng đài” của điền kinh Việt Nam với HCV SEA Games đầu tiên (năm 1995) nhưng chị cũng là hiện thân của một cuộc đời đầy sóng gió. Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, những bị kịch liên tiếp ập đến với chị. Đầu tiên, cậu con trai nhỏ Phú Vinh có biểu hiện tự kỷ. Gia đình chị Hường phải chạy chữa, cho con đi học lớp riêng rất tốn kém.
"Tượng đài điền kinh" Vũ Bích Hường trải lòng với PV VOV sau quãng thời gian bi kịch liên tục ập đến với chị. (Ảnh: Trọng Phú) |
Ít lâu sau, cú sốc thứ hai lại đến với Vũ Bích Hường khi chồng chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối và qua đời không lâu sau đó. Số phận nghiệt ngã chưa buông tha khi chị gặp phải một tai nạn giao thông khiến đốt sống số 4, số 5 bị gãy, chân trái bị teo dần và không thể đi lại được bình thường.
Niềm an ủi duy nhất của Vũ Bích Hường là chứng kiến sự trưởng thành của con trai đầu lòng Nguyễn Ngọc Quang. Ngọc Quang cũng nối nghiệp điền kinh của mẹ, em đã giành được nhiều thành tích ở các giải VĐQG và được đánh giá là gương mặt triển vọng của điền kinh Việt Nam.
2. Đô vật Lê Thi Huệ “gắn liền” với chiếc xe lăn đến suốt đời
Lê Thi Huệ sinh năm 1979 là VĐV vật số một của Thanh Hoá. Sau khi giành HCV hạng 55 kg toàn quốc chị trở thành hy vọng vàng của vật Việt Nam tại SEA Games 22.
Giấc mơ vàng SEA Games còn dang dở thì tai ương đã ập đến với VĐV vật Lê Thị Huệ và giờ chị phải "gắn liền" với chiếc xe lăn đến suốt đời. (Ảnh: TT&VH) |
Tuy nhiên, khi giấc mơ vàng SEA Games còn dang dở thì tai ương đã ập đến. Tháng 5/2003, trong một buổi tập đối kháng chuẩn bị cho SEA Games, Huệ dính chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi.
Từ đó, cuộc sống của Huệ rẽ theo một hướng hoàn toàn khác, đó là cuộc tranh đấu giành giật sự sống. 8 năm sau tai nạn trên, bố của Huệ (là thương binh) qua đời, Huệ và mẹ già sống hiu quạnh trong căn nhà cấp 4.
Nguồn thu nhập chính của hai mẹ con chỉ là khoản trợ cấp tai nạn lao động dành cho Huệ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Phải đến tháng 5/2013, số phận của Huệ được biết đến và nhờ nhà chức trách cùng các nhà hảo tâm, Huệ được đi chữa trị tại Bệnh viện Thể thao quốc gia từ tháng 7/2013.
3. VĐV đá cầu Huyền Trang đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác
Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1985, Long Biên, Hà Nội) từng là một trong những vận động viên đá cầu xuất sắc trong ĐTQG Việt Nam. Nữ VĐV xinh đẹp, tài năng từng giành danh hiệu trong nước lẫn thế giới cho đá cầu Việt Nam.
VĐV đá cầu Huyền Trang vẫn đang phải vật lộn với căn bệnh ưng thư quái ác. (Ảnh: Hữu Nghị) |
Tuy nhiên, “hoa khôi đá cầu” lại gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống riêng tư khi cuộc hôn nhân năm 2007 của Huyền Trang nhanh chóng đổ vỡ. Rồi 7 năm sau, Huyền Trang phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối và các khối u hiện đã di căn vào xương.
Chị Trang cho biết, dù đã có bảo hiểm y tế hỗ trợ nhưng số tiền truyền hóa chất và trị xạ đều lên tới 600.000-700.000 đồng/ngày. Chị Trang hiện đã giải nghệ và sống dựa vào sự chăm sóc của bố mẹ đẻ (hiện đều đã lớn tuổi) nên hoàn cảnh rất khó khăn.
4. Vượt qua hoàn cảnh, Trương Thị Phương viết nên câu chuyện cổ tích ở tuổi 16
Cô xuất thân từ một gia đình thuần nông ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố Phương là ông Trương Hồng Quân và mẹ là bà Phó Thị Hai.
Xuất thân từ gia đình khó khăn, nhưng chính tinh thần vượt khó đã giúp Phương trở thành VĐV sáng giá cho đua thuyền của Việt Nam. (Ảnh: Dương Thuật) |
Tuy là gia đình thuần nông nhưng nhà Phương chỉ có 2 sào ruộng, bởi vậy cha mẹ Phương buộc phải làm rất nhiều nghề để mưu sinh nuôi các con ăn học từ chặt củi, bẻ măng...
Cũng bởi gia đình khó khăn nên các công việc đồng áng Phương đều đã trải qua. Chính những việc làm đó đã giúp Phương có sức khỏe và chiều cao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.
Phương đến với môn Đua thuyền một cách tình cờ. Do từ nhà đến trung tâm tập luyện ở Vĩnh Yên cách hơn 20km nên Phương phải chuyển hồ sơ ra ngoài đó để vừa học vừa tập luyện.
Xa nhà, giáo trình tập luyện lại rất vất vả, nhưng cô gái dân tộc Sán Dìu không lùi bước.
Mới đây, cô gái dân tộc Sán Dìu vừa giành HCV ở nội dung 500m C1 tại Giải vô địch châu Á 2015. (Ảnh: Dương Thuật) |
Và thành quả sau tháng ngày xa nhà và luyện tập vất vả của cô gái dân tộc Sán Dìu đã đến khi Phương trở thành VĐV trẻ tuổi nhất giành HCV ở SEA Games cho Đoàn thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó thì Phương còn viết nên câu chuyện “cổ tích” khi lần đầu tiên trong lịch sử giành HCV cho Canoeing Việt Nam tại sân chơi châu lục ở độ tuổi 16.
5. Phận long đong của nữ VĐV Judo - Nguyễn Thị Như Ý
Cuộc đời cô không đẹp như cái tên Như Ý. Lập gia đình năm 2005, nhưng chồng cô không may mất sớm vì cơn đột quỵ. Đến năm 2011, võ sĩ quê Đồng Tháp đi bước nữa với một người cùng quê.
VĐV Judo- Nguyễn Thị Như Ý chạnh lòng: "Thi đấu SEA Games để kiếm HCV, có tiền mua sữa cho con". (Ảnh: Laodong) |
Tưởng chừng cô sẽ có hạnh phúc trọn vẹn, khi quyết định rút khỏi ĐTQG để chuyên tâm đi học và lo cho gia đình. Tuy nhiên, người chồng thứ hai của cô lại ham mê cờ bạc, rồi vướng vào vòng lao lý sau một lần gây thương tích cho người khác.
Vốn gia cảnh đã nghèo, chồng đi tù, mẹ già, con chuẩn bị ra đời, Như Ý gần như lâm vào cảnh bế tắc. Với nghị lực phi thường, cô đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời để tiếp tục trở lại sàn đấu.
Tại SEA Games 28 vừa qua, mặc dù đã 34 tuổi, đã qua thời kỳ đỉnh cao, Nguyễn Thị Như Ý vẫn lên ngôi vô địch Judo hạng cân 78 kg, với động lực chiến thắng từ cuộc sống vất vả.
Judo không chỉ là thể thao đối với võ sĩ 34 tuổi, mà còn là cách để mưu sinh, nuôi sống bản thân và con trai. Cô từng có câu nói chạnh lòng đến mức nổi tiếng là: "Đi thi đấu SEA Games để kiếm HCV, có tiền mua sữa cho con".
6. Cầu thủ bóng đá nữ: Lận đận sau khi giải nghệ
Ai cũng hiểu bóng đá nữ bị thua thiệt hơn rất nhiều so với những người đồng nghiệp nam. Mức lương bèo bọt, không lót tay tiền tỉ, không hợp đồng đắt giá, cuộc sống của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số trở nên vô cùng khó khăn sau khi họ treo giày.
Bóng đá nữ luôn thua thiệt hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp nam. (Ảnh: Hà Khánh) |
Thủ thành nổi tiếng của bóng đá nữ Việt Nam - Kim Hồng từng phải đi bán bánh mì để kiếm sống.
Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai, người từng vô địch SEA Games 22 trên sân nhà cùng ĐT Việt Nam từng đi phụ gia đình sửa chữa xe máy sau khi chia tay bóng đá.
Cựu tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội Hà Nội thì đi bán mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Còn rất nhiều tuyển thủ nữ có gia cảnh đặc biệt với cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn.
Những câu chuyện về khó khăn của các cầu thủ nữ được nhiều người biết đến nhưng dường như chưa bao giờ họ được quan tâm như các đồng nghiệp nam./.
Hiện các VĐV Việt Nam chỉ tham gia bảo hiểm theo hình thức tự nguyện, mức mua bảo hiểm cũng ở khung thấp nhất. Điều này khiến cho mỗi khi gặp tai nạn, mức chi trả của cơ quan bảo hiểm không đáng bao nhiêu so với chi phí điều trị. Có VĐV xe đạp bị chấn thương nặng dẫn đến gãy xương đòn vai, xương tay và xương đùi phải chữa trị mất 50 triệu đồng, chỉ được thanh toán… 8 triệu đồng trên cơ sở mức mua bảo hiểm của đơn vị chủ quản.
Nhưng không phải VĐV nào cũng được như vậy. Theo quy định của ngành thể thao, chỉ các VĐV đã vào biên chế hay hợp đồng dài hạn mới được mua bảo hiểm, trong khi có tới 90% không thuộc diện này do họ đều là VĐV chuyên nghiệp. Thực tế này cho thấy, việc mua bảo hiểm phải xuất phát từ yêu cầu của VĐV và nơi thực hiện phải là đơn vị mà VĐV này đang đầu quân. Không ít tuyển thủ tên tuổi và gia đình đã mất cả số tiền chắt bóp nhiều năm, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần để có tiền chữa trị chấn thương. Đơn cử như võ sĩ karatedo Vũ Nguyệt Ánh (vô địch Asiad) đã phải chờ đến 2 năm mới may mắn có được tài trợ 200 triệu đồng để sang Singapore phẫu thuật chấn thương đầu gối.
Trường hợp của cựu vô địch thế giới môn đá cầu đã giải nghệ và đang mắc bệnh ung thư hiểm nghèo Nguyễn Huyền Trang là một ví dụ khác. Tập luyện, thi đấu đá cầu từ năm 14 tuổi, giành hàng loạt chiến tích sáng giá, song khi giải nghệ, Trang trở về với 2 bàn tay trắng. Mới chỉ qua 2 năm, số tiền mà gia đình Trang bỏ ra đã lên tới nửa tỷ đồng cho việc chữa trị bệnh tật. Trong suốt 10 năm gắn bó với thể thao Hà Nội, Trang chỉ là VĐV hợp đồng ngắn hạn với mức thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng và không có bảo hiểm y tế.
Với số lượng người tham gia bảo hiểm lớn nên Công ty VPF có điều kiện để đàm phán với các đơn vị bảo hiểm theo hình thức trọn gói và có nhiều khung giá khác nhau. Nhưng với hơn 40 môn thể thao còn lại, đây không phải là điều đơn giản bởi theo đặc thù từng môn thi đấu mà các hình thức hoặc khung giá khác nhau.
Chính vì thế, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Thực tế, ngành thể thao đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm cho các HLV, VĐV, trước hết là các tuyển thủ quốc gia theo dạng tài trợ và dài hạn, với mức chi trả phù hợp với đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ nhận hỗ trợ cho đoàn thể thao Việt Nam tại các sự kiện lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic chứ không chịu bảo hiểm thường kỳ và dài hạn. Cách duy nhất để cứu giúp những VĐV chẳng may gặp tai nạn là nhờ vào các “quỹ hỗ trợ” với kinh phí được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Thể thao Việt Nam từng có 2 “Quỹ hỗ trợ VĐV” ra mắt rất hoành tráng nhưng rồi biến mất không kèn không trống: một lần vào dịp SEA Games 2003 và lần gần nhất cách đây 2 năm.