Triều Tiên khẳng định tự lực cánh sinh trong phát triển kinh tế
VOV.VN - Ông Kim Jong-un 27 lần nhắc đến từ “tực lực cánh sinh” và cho rằng nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế tự chủ quyết định thành bại của cách mạng Triều Tiên.
Hôm qua (10/4), Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ủy ban trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên đã nhấn mạnh yêu cầu cần giương cao hơn nữa ngọn cờ tự lực cánh sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế tự chủ, nhằm tấn công mạnh mẽ vào các thế lực thù địch có ý đồ kiềm chế Triều Tiên.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: KCNA. |
Phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ủy ban Trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng Triều Tiên cần căn cứ vào các điều kiện và thực tế đất nước, dựa vào sức mạnh, kỹ thuật và tài nguyên của mình để phát triển kinh tế dân tộc mô hình tự chủ.
Ông Kim Jong-un nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng như hiện nay, cần coi tự lực cánh sinh là thanh bảo kiếm vinh quanh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần triển khai thế trận đột phá, khơi dậy cao trào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Ông Kim Jong-un 27 lần nhắc đến từ “tực lực cánh sinh” và cho rằng nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế tự chủ quyết định thành bại của cách mạng Triều Tiên. Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và giáo dục đối với sự nghiệp cách mạng của Triều Tiên.
Cũng trong ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đệ trình lên Hội nghị toàn thể Phương án tổ chức bộ máy lãnh đạo nhà nước như Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên, nội các... để tiến hành xem xét tại kỳ họp lần thứ nhất Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên tổ chức vào hôm nay (11/4).
Trong quá khứ, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên là nơi thường đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội của Triều Tiên.
Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 (20/4/2018) đã quyết định nước này sẽ dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa, phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, đồng thời tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội./.