World Cup đi qua, đắng cay ở lại với Brazil
VOV.VN - Ngày hội bóng đá kết thúc, Đức mang cúp về châu Âu và để lại sau đó là vô vàn vấn đề với nước chủ nhà.
Brazil đã phải chi cả chục tỷ USD để tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Ngay trước ngày khai mạc, Brazil đã phải đối mặt với rất nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ để phản đối World Cup, nhiều người dân Brazil không cần tới bóng đá, bởi đơn giản bóng đá không thay được bánh mỳ, thuốc men và trường học.
Những ngày phát cuồng với bóng đá đã khiến người dân Brazil quên đi nỗi lo về cơm áo gạo tiền, nhưng khi ĐT của họ bị Đức loại tại bán kết với tỷ số 7 -1, người Brazil lại trở về với thực tại. Những cuộc bạo động nổ ra, người dân Brazil bạo động không phải vì thất bại cay đắng của ĐT quê nhà mà thực sự, họ phải đối mặt với bài toán kinh tế trước mắt.
“Mọi người đi siêu thị rồi phẫn nộ với giá cả nhiều hơn là cay đắng với World Cup” – Andre Cesar, nhà phân tích chính trị tại Brazil nói với AFP.
Một bức vẽ thể hiện nỗi lo của dân nghèo Brazil, họ cần bánh mỳ hơn là bóng đá.
Trớ trêu thay, World Cup là yếu tố chính dẫn tới thực trạng đáng buồn đó. Trong hơn 1 tháng diễn ra, World Cup đẩy giá của khách sạn, các chuyến bay và thậm chí cả dịch vụ tăng cao. Trong những ngày có ĐT Brazil thi đấu, người dân được nghỉ, mọi người vui với bóng đá và ở phía bên kia, giá cả được đẩy lên cao vút nhằm phục vụ niềm vui của mọi người.
Bài toán kinh tế tại World Cup đã nhiều lần được đề cập tới, dựa vào World Cup, FIFA kiếm bộn tiền, theo báo cáo tài chính thì cơ quan cao nhất của bóng đá thế giới này thu về 4 tỷ USD nhờ việc bán bản quyền truyền hình, quảng cáo và tài trợ tại ngày hội bóng đá này, họ chi hơn 1 tỷ USD cho công tác tổ chức, tiền thưởng… tính đơn giản, FIFA đút túi khoảng 3 tỷ USD. Những phần còn lại của giải đấu, nước chủ nhà Brazil phải gánh chịu. FIFA khiến Brazil phải chi ra 500 triệu USD để nâng cấp sân Maracana hay chi ra 300 triệu USD để xây 1 SVĐ mới ở Manaus, thành phố nằm trong rừng Amazon, nơi không có bất cứ đội bóng hàng đầu nào.
500 triêu USD đã được chi ra để cải tạo sân Maracana.
Tuy nhiên, ngay cả những ngày diễn ra World Cup, theo báo cáo của chính phủ nước này, lượng tiền thu về qua các dịch vụ cũng chưa thể bù lại khoản chi ra để phục vụ cho hơn 30 ngày diễn ra World Cup.
Những nhà quan sát cho rằng World Cup 2014 đã thành công trên nhiều phương diện với hàng loạt kỷ lục được phá. Nhưng đối với những người dân Brazil nói chung và Chính phủ Brazil nói riêng, Bảng tỷ số không quan trọng bằng thực tế khắc nghiệt, một nền kinh tế ì ạch và cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Đối với đất nước với vô số lễ hội như Brazil, nỗi buồn thất trận sẽ nhanh chóng trôi đi bất chấp việc họ cho ra đời thuật ngữ Mineirazo để chỉ trận thua thảm hoạ trước ĐT Đức ở Bán kết. Nhưng họ sẽ không để World Cup tiếp tục móc hầu bao của mình.
Thất bại tại tại một trận bóng sẽ không ảnh hưởng tới tương lai chính trị của đất nước Nam Mỹ này song vì World Cup mà nền kinh tế thêm đi vào bóng tối thì chắc chắn là có. Hiện tại đương kim Tổng thống Rousseff đang có lợi thế, theo các cuộc thăm dò, khi 38% cử tri được hỏi sẽ bỏ phiếu cho bà và 20% cho đối thủ gần nhất.
“Tôi nghĩ hiểm họa lớn nhất với bà Rousseff trong cuộc bầu cử vẫn là nền kinh tế đất nước, chứ không phải World Cup”, Joao Augusto de Castro Neves, Giám đốc tập đoàn Eurasia khu vực châu Mỹ Latin cho biết./.