Bầu cử Iraq: Cái “khó” ngay từ khâu đầu tiên
VOV.VN - Tỷ lệ cử tri Iraq đi bỏ phiếu là 44,52%, mức thấp nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2005.
Theo kế hoạch, 2 ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội Iraq ngày 12/5 vừa qua, kết quả chính thức sẽ được công bố. Tuy nhiên, đến nay kết quả kiểm phiếu cuối cùng của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau nhiều năm chống khủng bố của quốc gia Trung Đông này, vẫn chưa được công bố. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?
Cử tri Iraq đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử 2018. Ảnh: Alarabiya
“Khó ngay từ bước đầu”-đó là những từ được báo giới và giới phân tích dùng để miêu tả về cuộc bầu cử tại Iraq diễn ra trong ngày 12/5, từ việc ấn định ngày bầu cử “không được suôn sẻ”, đến lượng cử tri đi bầu thấp và giờ là quá trình kiểm phiếu gặp nhiều khó khăn.
Hồi tháng 1, Chính phủ Iraq đã phê chuẩn thời hạn tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội, bất chấp sự phản đối của một số chính Đảng, bao gồm nhiều Nghị sĩ người Kurd và dòng Sunni. Lý do mà các nghị sĩ này đưa ra để hoãn bầu cử là hàng trăm người di cư và tị nạn Iraq vẫn chưa thể hồi hương sau nhiều năm chạy trốn chiến tranh. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của nước này đến nay chưa thể đáp ứng được tốt nhất cho cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, đảng Hồi giáo dòng Shiite do đương kim Thủ tướng Haider al-Abadi lãnh đạo, vẫn nhất quyết cho rằng, đây là thời điểm phù hợp nhất và không thể trì hoãn thêm nữa bởi cuộc bầu cử đã bị muộn hơn so với những gì mà Hiến pháp quy định.
Theo giới phân tích, lý do nữa để đảng Hồi giáo muốn cuộc bầu cử được tổ chức sớm là để Thủ tướng Al Abadi tận dụng lợi thế từ chiến thắng “vang dội” trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bởi vậy, dù có nhiều ý kiến phản đối, cuộc bầu cử Quốc hội Iraq vẫn được tiến hành hôm 12/5, với sự phê chuẩn của Tòa án Liên bang tối cao Iraq. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử xác nhận, chỉ có 44,52% trong tổng số 24 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc bỏ phiếu. Đây là tỷ lệ bầu cử thấp nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2005.
Không chỉ có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, việc bỏ phiếu tại thuộc khu vực bán tự trị người Kurd ở miền Bắc nước này cũng gặp một số vấn đề. Nhiều điểm bỏ phiếu đã xảy ra trục trặc liên quan đến hệ thống bỏ phiếu điện tử. Theo một số quan chức địa phương, quá trình kiểm phiếu sẽ diễn ra bằng tay do kết quả kiểm phiếu điện tử không cho một kết quả chính xác.
Thủ tướng Iraq kêu gọi đảng phái chính trị tôn trọng kết quả bầu cử
Đặc biệt, hãng tin Reuters của Anh ngày 17/5 tiết lộ, tại các điểm kiểm phiếu khu vực người Kurd, nhiều tay súng đã bao vây các điểm bỏ phiếu, để gây áp lực thay đổi kết quả số phiếu bầu.
Hãng tin này dẫn lời người đứng đầu Ủy ban bầu cử Iraq Riyadh al Badran cho biết, các nhân viên của Ủy ban này đang bị các tay súng không rõ danh tính bắt giữ làm con tin: “Chúng tôi có những nhân viên đang ở trong tình trạng làm con tin tại các trung tâm bỏ phiếu ở thành phố Kirkuk và trung tâm bỏ phiếu Daquq. Một số đảng phái chính trị và các tay súng đang bao vây các khu vực bỏ phiếu này. Chúng tôi kêu gọi lực lượng an ninh quốc gia làm nhiệm vụ để bảo vệ cuộc sống của các nhân viên”.
Ông al Badran hy vọng kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố trong vài ngày tới và mọi khiếu nại (nếu có) sẽ được Ủy ban bầu cử xem xét sau đó.
Trước đó, ngày 13/5, Ủy ban bầu cử Iraq đã công bố kết quả sơ bộ, theo đó, liên minh al-Sa'iroon của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr, có quan điểm “cứng rắn” trong việc chống tham nhũng và sự phân hóa xã hội, đã giành số phiếu cao nhất tại 10 tỉnh trong tổng số 18 tỉnh.
Đứng thứ hai là liên minh al-Fath của ông Hadi al-Ameri, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi có quan điểm khá thân với Iran. Còn Liên minh của đương kim Thủ tướng al-Abadi, có quan điểm khá ôn hòa giữa phương Tây và Iran, chỉ đứng ở vị trí thứ ba.
Do chưa có kết quả chính thức, nên số ghế thành viên của mỗi Đảng phái trong Quốc hội mới đến nay vẫn chưa được tính đến. Trong mọi kịch bản, dù bên nào dành chiến thắng, thì một cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh với các bên còn lại vẫn phải diễn ra trong vòng 90 ngày sau bầu cử.
Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo đất nước Iraq sớm hay muộn sẽ được tìm ra. Tuy nhiên, Tân Thủ tướng cũng là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Iraq, sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức lớn, phải đứng đầu với công cuộc tái thiết đất nước tốn “tiền của” thời kỳ hậu xung đột, vấn nạn tham nhũng cùng sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc./.
Iraq tổng tuyển cử sau khi quét sạch bóng đen khủng bố IS