An Giang: hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục ảnh hưởng do Covid-19
VOV.VN - Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ tiền cho một số giáo viên mầm non tư thục không được hưởng lương, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tất cả các trường mầm non, mẫu giáo trên cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đều phải cho học sinh tạm thời nghỉ học. Do đó, một bộ phận giáo viên ở các trường mầm non tư thục không được hưởng lương hoặc hưởng mức trợ cấp rất thấp, cuộc sống gặp khó khăn.
Mặc dù số tiền không lớn, nhưng cũng phần nào giúp các cô giáo vượt qua khó khăn hiện nay |
Quan tâm đến những giáo viên này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ tiền cho một số giáo viên mầm non tư thục không được hưởng lương, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, phần lớn giáo viên, nhân viên tại các trường tư thục hưởng mức lương trung bình khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng và chủ yếu chỉ có thu nhập chính từ việc dạy và làm việc tại trường. Nguồn kinh phí trả lương cho giáo viên tại các trường này, phụ thuộc vào tiền học phí thu từ gia đình các em. Từ tháng 2 đến nay, các trường đều tạm ngưng dạy học do ảnh hưởng dịch Covid-19; nhà trường không còn đủ kinh phí để trả lương như trước, nên nhiều cô giáo phải về quê phụ giúp gia đình làm ruộng, cuộc sống gặp không ít khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân, Giáo viên Lớp Mẫu giáo Trẻ Thơ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, nhà có con nhỏ, chồng làm công ty tư nhân nên thu nhập không đáng kể. Để có thêm thu nhập trong thời gian trường cho học sinh tạm nghỉ học, cô phải mua khoai về làm bánh bán, mỗi ngày cũng chỉ được 70.000 đồng.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ, được sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, mặc dù số tiền không lớn, nhưng cũng phần nào giúp cô vượt qua khó khăn hiện nay. Đây cũng là động lực để cô tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay, nhiều phụ huynh cho biết các bé trong thời gian nghỉ học ở nhà không chịu ăn, ngủ như ở trường, các bé nghỉ học ở nhà không người trông coi…
Ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã cùng với các ngành, các cấp trong tỉnh, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; vận động người lao động nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động; đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động về chi phí trông giữ con do phải nghỉ học, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn...
Để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn của công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là một số giáo viên mầm non ở các trường tư thục, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ cho 31 giáo viên nghỉ dạy, không được hưởng lương, với mức hỗ trợ 800.000 đồng/người. Kinh phí trao tặng trích từ nguồn Quỹ xã hội công đoàn. Đây là hoạt động chăm lo đời sống của tổ chức công đoàn, góp phần giúp giáo viên các trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thiện Phú cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang chỉ đạo Liên đoàn Lao động cấp huyện phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, rà soát, thống kê tập hợp nắm chắc các trường hợp, kể cả nơi có tổ chức công đoàn và nơi chưa có tổ chức công đoàn, ở các đơn vị, ngoài các đơn vị giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tất cả các trường hợp có khó khăn; trên cơ sở đối chiếu với Luật Lao động, các chính sách pháp luật có liên quan, để chúng tôi tập hợp và báo cáo cấp thẩm quyền có liên quan để có biện pháp hỗ trợ”.
Hiện nay, tình hình dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp đã và đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và việc dạy học của các trường… Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh, tìm phương án để kịp thời hỗ trợ, giải quyết, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, người lao động./.
Đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19