Mẹ Việt Nam Anh hùng 95 tuổi may khẩu trang hỗ trợ phòng dịch Covid-19

VOV.VN - Hình ảnh một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở TPHCM cặm cụi may từng chiếc khẩu trang hỗ trợ công tác phòng dịch Covid-19 làm lay động trái tim bao người.

Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, năm nay đã 95 tuổi. Với mẹ, dù thời chiến hay thời bình, chỉ cần đất nước gặp khó khăn, đồng bào cần sẻ chia, là Mẹ cống hiến hết sức theo cách riêng của mình.

Huy hiệu và bằng khen Nhà nước trao tặng bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt.

Chúng tôi ghé thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt trong hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Khương An, khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp. Mới sáng sớm mà mẹ đã cặm cụi bên xấp vải may khẩu trang, tỉ mẩn vẽ, cắt. 95 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, gầy guộc, mắt trái mù hẳn do bị thương khi tham gia cách mạng, còn mắt phải thì đã yếu dần nhưng mẹ vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, minh mẫn.  

Theo dõi các thông tin về dịch bệnh, mẹ biết khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ TPHCM mà cả nước đều khan hiếm khẩu trang, nhiều người nghèo không có tiền để mua.

Mẹ đã cùng phụ nữ trong khu phố tự cắt vải, may khẩu trang, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn bằng chính chiếc máy may cũ của mình. 

Mẹ tỉ mỉ cắt vải may khẩu trang.
Mẹ Ngô Thị Quýt may từng chiếc khẩu trang.

Mẹ kể, vải may khẩu trang được chị em trong tổ dân phố đi xin rồi đưa đến. Mẫu cũng được các chị làm sẵn, mẹ chỉ việc vẽ và cắt theo. Mẹ cứ cần mẫn vẽ, cần mẫn cắt như vậy, phần may do các chị em trẻ hơn đảm nhận, được càng nhiều khẩu trang càng tốt. Mẹ nghĩ, việc làm này phù hợp với sức khỏe và khả năng của mẹ, góp được gì cho đồng bào, cho công tác chống dịch là mẹ sẵn lòng.

"Ai có gì góp nấy. Giờ mình không có tiền để góp thì mình góp công. Mình cũng may khẩu trang giúp cho người nghèo. Làm tới đâu hay tới đó, mệt thì đi nghỉ chớ cũng không có gì khó khăn. Giờ mắt không rõ ràng, may không đẹp, chứ may thì vẫn may được. Nhưng để chị em khác may, còn tôi phụ trách phần cắt", mẹ Ngô Thị Quýt nói.

Dù tuổi cao, mẹ Ngô Thị Quýt vẫn tích cực tham gia các phong trào của khu phố, của phường, của quận. Việc tham gia may khẩu trang lần này cũng vậy. Chị Phan Thị Hồng Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp kể, việc nào cũng vậy, mẹ luôn tham gia theo cách của mình, mẹ luôn giữ trong mình tinh thần hăng hái của một người làm cách mạng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

"Mình không cho mẹ làm vì mẹ lớn tuổi rồi thì mẹ nói thôi cho mẹ làm với, mẹ ở nhà mẹ cắt khẩu trang, cho mẹ làm cho vui. Chị em đành nói, thôi thì mẹ làm được bao nhiêu thì làm, nhưng phải giữ sức khỏe. Thế là hằng ngày, buổi chiều, khoảng 2-3 giờ là chị em đến cùng làm, vì việc chung và để mẹ vui", chị Hồng Đào cho biết.
Những chiếc khẩu trang mang thương hiệu "Mẹ Quýt".

Bà con trong khu phố này ai cũng biết, bình thường khi chưa có dịch, mẹ Quýt vẫn may chăn đắp, gửi đi làm từ thiện khắp cả nước. Những ngày còn khỏe, mẹ tự bắt xe ôm đi khắp nơi xin vải thừa của các tiệm may về may chăn. Giờ sức yếu, mẹ nhờ các con đi xin giúp.

Nhiều người biết việc mẹ làm đã đem vải đến tận nhà cho. Có khi mẹ đi xin quần áo cũ về giặt sạch sẽ, đóng gói gửi tặng cho người nghèo ở các huyện khó khăn của tỉnh Bình Phước. 

Chị Kiều Kim Hằng, con dâu mẹ Quýt kể: Rất nhiều lần nói Mẹ đừng làm nữa vì lo cho sức khỏe của mẹ nhưng mẹ nhất quyết không nghe. Chiếc máy may mẹ đang dùng đã là chiếc thứ 3, 2 chiếc trước vì sức khỏe mẹ yếu nên gia đình đem cho. Vậy mà khi khỏe lại, mẹ lại kêu mua máy khác cho làm.

"Má nói là thứ nhất cũng muốn làm việc gì đó, thứ 2 là làm cho khuây khỏa. Tính bà từ nào giờ như vậy, thấy ai nghèo là giúp đỡ, thậm chí là cho tiền. Trong nhà cũng bảo là tiền má để má bồi bổ sức khỏe, nhưng thấy ai nghèo là má giúp", chị Hằng nói.
Chiếc chăn từ thiện được Mẹ may từ vải đi xin.

Mọi người ở khu phố 6 đều gọi mẹ Ngô Thị Quýt bằng cái tên thân thương “Bà Hai Bộ đội”. Bởi thời trẻ, mẹ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Khi mẹ đang mang thai con trai đầu lòng thì chồng hy sinh. Mẹ nuốt nước mắt gửi con trai mới hơn 6 tháng tuổi cho mẹ chồng nuôi, xin đi bộ đội chiến đấu.

Sau 4 năm công tác tại Đại đội 85, Tiểu đoàn 330 thuộc Tỉnh đội Thừa Thiên, đóng quân tại làng Vỹ Dạ (Huế), mẹ trở thành cán bộ biệt động thành hoạt động tại Huế. Ba lần bị giặc bắt và tra tấn dã man, đến lần thứ 4, mẹ bị giặc bắt đày ra nhà tù Côn Đảo.

Năm 1975, giải phóng miền Nam- thống nhất đất nước, mẹ trở về quê nhà thì được tin con trai đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Năm 2015, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng khi cả chồng và con đều là liệt sĩ./.

Ngọc Lê– Hà Anh/VOV-TPHCM

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Long An thông tin về bệnh nhân thứ 117
Long An thông tin về bệnh nhân thứ 117

VOV.VN - Lúc nhập viện, người này vẫn sốt, ho, khó thở, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm 2 phế trường. Đến ngày 22/3 nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Long An thông tin về bệnh nhân thứ 117

Long An thông tin về bệnh nhân thứ 117

VOV.VN - Lúc nhập viện, người này vẫn sốt, ho, khó thở, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm 2 phế trường. Đến ngày 22/3 nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo soát từng nhà tìm người nhập cảnh từ 7/3
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo soát từng nhà tìm người nhập cảnh từ 7/3

VOV.VN -Bộ trưởng chỉ đạo đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hộ dân, lập danh sách người nước ngoài, công dân Việt Nam về nước nhằm phòng dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo soát từng nhà tìm người nhập cảnh từ 7/3

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo soát từng nhà tìm người nhập cảnh từ 7/3

VOV.VN -Bộ trưởng chỉ đạo đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hộ dân, lập danh sách người nước ngoài, công dân Việt Nam về nước nhằm phòng dịch Covid-19.

Đang cách ly tập trung, nén nỗi đau chưa thể về chịu tang cha
Đang cách ly tập trung, nén nỗi đau chưa thể về chịu tang cha

VOV.VN - Không thể về quê ở Nghệ An để đưa tiễn cha lần cuối, người đàn ông xin lập bàn thờ bái vọng từ xa, mong cha tha thứ.

Đang cách ly tập trung, nén nỗi đau chưa thể về chịu tang cha

Đang cách ly tập trung, nén nỗi đau chưa thể về chịu tang cha

VOV.VN - Không thể về quê ở Nghệ An để đưa tiễn cha lần cuối, người đàn ông xin lập bàn thờ bái vọng từ xa, mong cha tha thứ.