Bộ LĐTB&XH phải rút kinh nghiệm về sai phạm tại 7 đơn vị
VOV.VN - Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý các tập thể, cá nhân liên quan đến các thiếu sót này.
Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm trong việc chấp hành chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí đối với việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2010 - 2014 tại 7 đơn vị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
7 dự án được thanh tra gồm: Văn phòng Bộ LĐTB&XH; Cục Người có công; Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Trường Cao đẳng nghề công nghệ TP HCM, Sở LĐTB&XH Đà Nẵng; Sở LĐTB&XH Bắc Giang), Thanh tra Chính phủ kết luận:
Về công tác chuẩn bị đầu tư, một số dự án chưa phản ánh rõ cơ sở lập khái toán dự án (Nhà làm việc liên cơ của BộLĐTB&XH), xây dựng phương án móng và một số chi tiết chưa phù hợp (Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng), thiết kế công trình chưa phù hợp với hạ tầng ngoài hàng rào (Trung tâm điều dưỡng người có công Bắc Giang)...
Trong khi đó công tác tư vấn lập và thẩm tra thiết kế, dự toán còn nhiều thiếu sót, cụ thể: Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công còn sai sót, điều này phản ánh năng lực hạn chế của nhà thầu tư vấn. Dự toán công trình không đúng quy định, thiếu thuyết minh, tổng dự toán được lập lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt và chưa đảm bảo tính chính xác…
Về công tác tư vấn giám sát nhà thầu đã không có báo cáo giám sát chất lượng các giai đoạn thi công, quá trình giám sát cử cán bộ chưa phù hợp. Do đó đã để nhà thầu xây lắp triển khai các hạng mục công việc khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, thiếu kiểm tra trong quá trình nghiệm thu, xác định khối lượng không chính xác.
Về nguyên nhân khách quan của những thiếu sót trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng một phần là do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2010 – 2014 nên nguồn vốn bị cắt giảm dẫn đến một số công trình bị chậm tiến độ. Các dự án được đầu tư xây dựng trong giai đoạn có sự trượt giá vật tư, tỷ giá biến động mạnh, chế độ tiền lương thay đổi nên phải tính toán điều chỉnh bù giá, kéo dài thời gian thi công.
Một số quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chưa phù hợp gây bất cập trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhu quy định về thời gian thực hiện các gói thầu đối với hình thức chỉ định thầu đã được sửa đổi tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014-NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho XDCB còn chưa đồng bộ, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và không tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kịp thời để chỉ ra các mặt được và những hạn chế, yếu kém để khắc phục. Việc phối hợp thực hiện giữa Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.
Một số chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, năng lực còn hạn chế.
Theo đó tổng số tiền sai phạm phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán là 24.508,418 triệu đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kết luận Bộ LĐ-TB-XH chưa đồng bộ trong chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thiếu thanh tra, kiểm tra nên không kịp thời phát hiện và chỉ ra các mặt hạn chế, yếu kém để khắc phục./.