Cá chết tiếp tục dạt vào bờ biển Quảng Bình
VOV.VN -Cá chết trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình khoảng 100 tấn nhưng lượng cá chết ngoài rạn còn nhiều hơn.
Sau vài ngày tạm lắng, chiều 26/4, tại một số bờ biển ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cá tiếp tục chết dạt vào bờ. Rất nhiều cá lờ đờ gần bờ khiến người dân lo lắng.
Ông Trần Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, mấy ngày nay, tình trạng cá chết tái diễn tại địa phương. Đặc biệt, rất nhiều cá nục, cá đục lờ đờ trên mặt nước nhưng chưa chết hẳn. Vì vậy, hiện nay, nhiều ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh đã vào khu vực bờ biển Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch để đánh bắt. Cá lờ đờ chưa chết hẳn này được đầu nậu mua với giá 50.000 đồng/kg để chở đi bán. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra và cấm thu mua cá chết thì họ phản đối vì cho rằng đây là cá sống.
Cá chết ở Quảng Bình |
Ông Trần Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Cá chết nhiều. Đợt trước số lượng cá chết đã giảm nhưng 2 ngày lại đây lại nhiều hơn. Đề nghị các ngành chức năng cần có khuyến cáo kịp thời và có chỉ đạo kịp thời. Cá đi khơi về chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc. Còn trên địa bàn hầu như không mua không bán, kể cả cá đi khơi về.
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cảnh báo, tại các xã Đức Trạch, Nhân Trạch, huyện Bố Trạch có tình trạng các đầu nậu thu gom cá chết để làm cá khô, làm nước mắm. Các loại cá ngon thông thường giá từ 400.000-500.000 đồng/kg thì nay, đầu nậu mua với giá 50.000 đồng/kg.
Đến chiều 26/4, các điểm thu mua tại các xã Nhân Trạch, Đức Trạch đã bán hơn 10 tấn cá chết. Đáng lo ngại là trong 2 ngày gần đây vùng biển cách bờ từ 4 đến 5km từ hòn Hiền đến Lệ Thủy, cá chết trắng dưới đáy rạn.
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, cá chết trôi dạt vào bờ khoảng 100 tấn nhưng lượng cá chết ngoài rạn còn nhiều hơn.
“Trong 3 ngày nay, việc thu gom cá lên đến 1 tạ. Trong hai ngày 24 và 25/4, ở Bảo Ninh đây còn nhiều hơn đợt trước nữa. Cho nên việc chỉ đạo chôn lấp phải xa bờ biển. Bởi có trường hợp chôn lấp gần bờ biển dễ ngấm trở lại. Độc tố tiêm nhiễm tới 3 đời thức ăn nên rất là nguy hiểm. Nếu lợn và gà ăn cá vẫn tích trữ chất độc. Người ăn lợn, gà thì độc tố vẫn ngấm ở người”.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát, cấm mua bán cá chết. Vì vậy, trong ngày hôm nay, các xe đông lạnh không còn chờ thu mua tại các xã biển như hôm trước.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Điều cần nhất là các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm kết luận nguyên nhân vì sao chất độc từ đâu mà cá chết. Bởi vì qua phản ánh của ngư dân, không những cá chết nổi trên mặt biển mà hiện nay, số lượng cá chết nằm dưới đáy biển, dưới các rạn, cách biển Quảng Bình khoảng 20 đến 30 mét rất nhiều.
UBND tỉnh cho rằng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiềm năng thủy sản của Quảng Bình nói riêng cũng như các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung./.