Lao động Việt ở Đài Loan (Trung Quốc): Người muốn ở lại, kẻ bỏ trốn
VOV.VN - Đài Loan (Trung Quốc) hiện là thị trường trọng điểm, dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam (chiếm 60%) tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Sau 17 năm thực hiện Thỏa thuận về gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc, đến nay Việt Nam đã đưa được gần 500.000 lượt lao động sang làm việc tại thị trường này.
Với số lượng lao động lao động xuất cảnh liên tục gia tăng trong những năm gần đây, Đài Loan (Trung Quốc) hiện là thị trường trọng điểm, dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam (chiếm 60%) tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) vẫn còn bất cập.
Chị Nông Thị Oanh (dãy 1- ngoài cùng bên trái) cùng nhóm lao động Việt Nam |
Nhờ tham gia xuất khẩu lao động - đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) mà hàng vạn gia đình Việt Nam đã có điều kiện cải thiện cuộc sống. Nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng không chỉ tiếp tục quay lại thị trường này đến lần thứ 3, thứ 4 mà còn giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc.
Theo nhiều lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường dễ tính, không đòi hỏi trình độ cao lại có điều kiện khí hậu, văn hóa gần gũi với Việt Nam.
Chị Nông Thị Oanh, dân tộc Tày, ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang kể: Hơn 10 năm trước, chị rời vùng quê bán sơn cước nghèo khó để sang Đài Loan (Trung Quốc) giúp việc gia đình và hiện nay đang làm việc cho Nhà máy Đài Diệu, thành phố Đào Viên.
Có thâm niên nhiều năm làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), với 4 hợp đồng được ký (số hợp đồng tối đa dành cho mỗi lao động nước ngoài đến Đài Loan (Trung Quốc) làm việc), điều khiến chị Oanh hài lòng nhất chính là được làm công việc phù hợp với trình độ và khả năng của mình. Và quan trọng hơn chính là số tiền hàng trăm triệu đồng chị tích lũy được để có điều kiện nuôi 2 con ăn học (một đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Y - một đang học lớp 8).
Chị Nông Thị Oanh cho biết: “Năm 2004 em sang đây, em về em lại sang. Em nghĩ mọi người nếu mà xác định sang đây phải chịu khó. Ở bên đây, người Đài Loan (Trung Quốc) rất quý mình nếu mình thật thà, còn lười biếng, người ta không thích. Lương tháng nếu được tăng ca nhiều được khoảng 24.000 Đài tệ. Công ty nuôi ăn mỗi tháng em chỉ tiêu 2 đến 3.000. Số tiền còn lại em để tiết kiệm trong tài khoản. Lâu lâu, để dồn khoảng mấy nghìn đô thì em gửi về một lần, để trong ngân hàng cho có lãi. Sau này chỉ để muốn cho con cái học hành tử tế, làm kiếm được một số tiền về già có một khoản tiền mình đỡ vất vả. Sang đây làm cũng nhàn, ở nhà đi làm ruộng, làm nương vất lắm, kiếm được tiền về xây cái nhà ở”.
Anh Nguyễn Văn Phong mong muốn được quay lại Đài Loan làm việc sau khi hết hợp đồng 3 năm |
Câu chuyện của chị Nông Thị Oanh và anh Nguyễn Văn Phong cho thấy, Đài Loan (Trung Quốc) hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lao động mà rất nhiều người muốn tham gia. Còn với hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường trọng điểm để khai thác và đưa lao động đi.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) cho biết: “Năm 2015, Bộ LĐ-TBXH đã mở lại loại hình lao động khán hộ công, giúp việc gia đình sang Đài Loan (Trung Quốc) cho nên doanh nghiệp chúng tôi chọn thị trường Đài Loan (Trung Quốc) để thay thế thị trường Trung Đông trước đây.
Mức lương của thị trường Đài Loan (Trung Quốc), bây giờ trung bình, chưa kể giờ làm thêm đạt hơn 600 USD/tháng, so với thị trường Trung Đông cũng gấp rưỡi, gấp đôi, quan trọng là khí hậu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng giống khí hậu của Việt Nam. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tới đây sẽ là thị trường trọng điểm của Công ty”.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc từ năm 1999, nhưng số lượng tăng mạnh trong 4 năm gần đây. Đến nay, đã có gần 500.000 lượt lao động xuất cảnh và hiện Việt Nam có khoảng 170.000 lao động đang làm việc trong 4 lĩnh vực ở Đài Loan (Trung Quốc) gồm: Sản xuất chế tạo và công nghiệp chiếm 85%; hộ lý, y tá, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và giúp việc gia đình 13%; số còn lại là lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông, lâm, ngư nghiệp, với thu nhập bình quân 600 đến 700 USD/tháng.
So với 4 quốc gia có lao động đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, lao động Việt Nam luôn được chủ sử dụng lựa chọn và đánh giá cao bởi tính cần cù, chăm chỉ. Đặc biệt, năm ngoái Đài Loan (Trung Quốc) đã cấp phép trở lại cho công ty xuất khẩu lao động Việt Nam mới được đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc trong lĩnh vực khán hộ công giúp việc gia đình và thuyền viên tàu cá sau 10 năm gián đoạn. Đây tiếp tục là cơ hội để nhiều lao động tìm kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình”.
Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng Ban quản lý lao động, Văn phòng kinh tế-văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết: “Hiện nay, toàn bộ lao động nước ngoài mà Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận là gần 60 vạn người, khán hộ công giúp việc gia đình khoảng 250.000 và hiện tại ngành nghề này Đài Loan (Trung Quốc) có nhu cầu rất lớn.
Về thuyền viên tàu cá hiện bạn cũng có nhu cầu lớn. Hiện, thuyền viên tàu cá Đài Loan (Trung Quốc) chỉ phụ thuộc vào Indonesia nhưng từ tháng 3/2015, Chính phủ Indonesia đã khống chế chặt số lượng thuyền viên sang Đài Loan (Trung Quốc) nên lao động loại này sang giảm nhiều. Vì vậy, Đài Loan (Trung Quốc) đang kỳ vọng vào lao động thuyền viên Việt Nam”.
Cơ hội đang rộng mở đối với lao động Việt Nam có mong muốn sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.
Thế nhưng, tình trạng lao động bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc) và thu phí cao của người lao động đang là rào cản, khiến thị trường này mất dần tính ổn định. Đây cũng là nội dung được phóng viên Đài TNVN đề cập trong phần 2 của loạt bài viết với nhan đề “Nhức nhối thực trạng phí cao và lao động bỏ trốn”./.