Thị trường du lịch quốc tế: Mở cửa thế nào để không “lỡ nhịp”?
VOV.VN - Trong khi thị trường khách du lịch nội địa “bùng nổ”, khách du lịch quốc tế lại có phần “im ắng”, không được như kỳ vọng ban đầu. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, hãng hàng không, du lịch sau hơn một tháng mở cửa du lịch trở lại. Mở cửa thế nào để không “lỡ nhịp”?
Hơn 1 tháng sau mở cửa thị trường, Amica Travel, một đơn vị lữ hành tên tuổi chuyên khách Âu, Mỹ mới đón được chừng 6-7 đoàn khách quốc tế, chủ yếu là khách đã đặt cọc tour phải rời lại từ 2 năm trước, phần vì đã “vãn” mùa lữ hành quốc tế, phần vì chuyến bay quốc tế vào Việt Nam ít, giá vé máy bay quá cao. Đó là những khó khăn hiện hữu, xa hơn lại chính là chính sách về visa.
Theo ông Trần Quang Hiếu, Chủ tịch Amica Travel, quy định miễn visa du lịch trong vòng 15 ngày với khách vô hình chung nhiều khi là rào cản để khách du lịch quốc tế có ý định lưu trú lâu chọn tới nước khác, thay vì đi nghỉ ở Việt Nam: "Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, những khách có tiền bắt đầu đi du lịch trở lại. Những người đi nghỉ hè thường có xu hướng chọn kỳ nghỉ dài ngày trong khi chúng ta hiện chỉ miễn visa trong vòng 15 ngày. Quy định này khó để đón được những đoàn khách muốn nghỉ dài ngày".
Theo thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Đoàn Văn Việt, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng trong hơn một tháng qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, theo ông Việt, hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách phần nào bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch covid 19, cần một thời gian để các doanh nghiệp lữ hành có sự kết nối và củng cố lại trong thời gian tới.
Hơn nữa, “mùa lữ hành quốc tế” thông thường rơi vào thời điểm khoảng từ tháng 10 cho đến hết tháng tư, tức là chỉ còn đúng hơn 1 tháng là hết mùa kể từ thời gian mở cửa thị trường. Một nguyên nhân quan trọng nữa là một số nước, nhất là các nước Đông Bắc Á, thị trường chiếm tới gần 70% lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam hiện vẫn đang trong tình trạng “đóng băng”, xung đột Nga-Ukraina ít nhiều ảnh hưởng tới luồng khách khu vực này tới các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa…
Theo thứ trưởng Đoàn Văn Việt, giải pháp trước mắt là tập trung làm tốt công tác truyền thông về du lịch, tiếp đó là việc làm sao mở rộng thị trường để không lệ thuộc vào một vài thị trường nào đó.
"Vừa qua, Chính phủ đã ban hành từ visa, chính sách về y tế nhập cảnh, chính sách mở cửa, chúng ta cần có thông tin kết nối giữa mình với đại diện lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao của chúng ta tại nước ngoài. Vừa qua giữa Bộ Văn hóa Bộ Ngoại giao và một số các Bộ liên quan làm khá tốt để chúng ta đẩy mạnh công tác truyền thông. Thứ hai là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác quảng bá, xúc tiến đối với các thị trường du khách trọng điểm, có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp người ta có kết nối lại với nhau giữa đưa khách đến và đón khách để tạo cung cầu".
Mở cửa như thế nào để không “lỡ nhịp”, tận dụng được cơ hội vàng trong đa dạng cơ cấu sản phẩm, để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là vấn đề lớn mà nhiều địa phương và doanh nghiệp quan tâm. Hai năm đóng băng thị trường vì ảnh hưởng của dịch đã cho thấy rõ một điều: khách du lịch quốc tế đang có xu hướng chọn lựa những sản phẩm du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên thay vì đến những nơi đông đúc, có khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp lữ hành phải đón đầu xu hướng và thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Chủ tịch hãng lữ hành Lux Group, ông Phạm Hà cho biết, nếu không thay đổi để đón bắt được xu hướng này, các công ty dịch vụ lữ hành quốc tế có nguy cơ “lỡ nhịp”.
Theo ông Phạm Hà: "Sau 2 năm Covid-19, du khách đang cần những điểm đến giàu cảm xúc tốt cho thân-tâm-tuệ, những điểm đến gần gũi thiên nhiên. Xu hướng này cho thấy doanh nghiệp phải tập trung làm mới mình, đáp ứng yêu cầu du khách theo từng mùa, từng thị trường. Hai năm qua cũng là thời điểm doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân lực nhiều nơi cũng đã chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Vì vậy, thời điểm này, các địa phương cần tập trung nối lại chuỗi cung ứng, tìm tòi sản phẩm du lịch mới và chăm sóc khách trong điều kiện bình thường mới".
Hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng “dạy” cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp du lịch bài học “không nên bỏ trứng vào 1 giỏ”. Nôm na là không nên phụ thuộc vào 1 thị trường, ngay cả khi thị trường này chiếm tới 50-60% cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam. Tư duy “đếm khách” để đo mức độ thành công trong thu hút khách quốc tế giờ đã không còn phù hợp mà phải làm sao tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất. Đó là cách để “mở cửa” mà không sợ “lỡ nhịp”./.