Nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ
VOV.VN - Mỗi khi nhắc tới AHLĐ, TTND, GS.TS Nguyễn Anh Trí, người dân thường nhớ tới một lương y hết lòng vì người bệnh.
Và đặc biệt, ông còn là một “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống huyết học và truyền máu Việt Nam và là một người có tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.
Tố chất thi ca ngay từ nhỏ
Nguyễn Anh Trí sinh ra ở miền quê Lệ Thủy, Quảng Bình giàu truyền thống cách mạng - nơi có dòng sông Kiến Giang trong mát hiền hòa với văn hóa đặc trưng hò khoan Lệ Thủy như: điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo… Ngay từ khi chưa biết mặt chữ, nghe cha hướng dẫn anh trai (hiện là Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Văn Tài - PV) học bài thơ Ta đi tới thì cậu bé Trí đã học theo và cũng thuộc luôn. Có lẽ, Nguyễn Anh Trí cũng bắt đầu yêu thơ từ đó, vì thế nên việc làm thơ đối với anh cũng khá dễ dàng.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã thổi ngọn lửa nhiệt huyết vào phong trào hiến máu nhân đạo, huy động đủ máu cứu người. |
Hóa ra, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ĐH Y Hà Nội, ông đã được chọn tiếp tục học 3 năm bác sĩ nội trú. Thời gian này, ông phải dành nhiều thời gian cho việc học hành nên đành ngậm ngùi “để cho nàng thơ… ra đi, còn dành thời gian làm việc khác”.
“Hồi nhỏ ông ao ước được khoác áo bluse?” - tôi hỏi. Ông cười hồn hậu: “Thực ra tôi học khá đều các môn. Gần lúc học xong cấp 3, một thầy giáo dạy Lý của tôi có nói: Học như Trí nên đi học về Vật lý, ở Đại học sư phạm Vinh ấy! Thế là tôi mới biết trên đời này có trường Đại học Sư phạm ở Vinh và tôi đã làm đơn xin thi vào đó luôn! Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, nên ngay sau hôm đi thi đại học về thì tôi đã lên rừng (gọi là “sơn tràng”) để lấy gỗ về cho Hợp tác xã làm chuồng trâu, nhà kho… Đi thế thường nhiều công điểm hơn làm ruộng ở nhà. Rồi hơn một tháng sau, tôi bị sốt rét ác tính, phải vào bệnh viện huyện Lệ Thủy điều trị. Trong thời gian nằm viện, tôi đã có giấy báo trúng tuyển vào khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Vinh. Tôi đã ra trường sau hơn một tháng tính từ ngày nhận giấy báo gọi nhập trường. Vì ra muộn, nên tôi đã không có cơ hội được thành sinh viên trường đó nữa. Tôi trở về quê ngay trong một đêm khuya rét buốt. Mẹ tôi đã khóc vì thương tôi và lo lắng cho tôi. Điều đó lại càng nung nấu trong tôi phải thi đỗ Đại học, mặc dù chỉ 2 hôm sau là tôi phải vào bệnh viện vì cơn sốt rét tái phát”.
Trong quãng thời gian dài nằm viện, bị vuột mất cơ hội chạm tay vào cánh cổng trường đại học, Nguyễn Anh Trí đã cảm nhận được cái nghề cao quý là chữa bệnh cứu người khỏi lưỡi hái tử thần nó thần kỳ như thế nào, nên đã thôi thúc ông quyết trở thành bác sĩ. Một hôm, khi bác sĩ đến khám cho ông, Trí đã hỏi: “Chú ơi, muốn trở thành bác sĩ như chú thì học ở đâu?”; Vị bác sĩ trả lời: “Ở trường Đại học Y Hà Nội cháu ạ!”.
Thế là Trí lại biết thêm có trường đại học Y ở Hà Nội nữa, nên ông đã làm đơn thi vào đó. Và rồi lại thi đỗ, năm đó (1976) ông đã trở thành sinh viên ngành Y.
“Kiến trúc sư trưởng” trong ngành huyết học Việt Nam
Sau 9 năm miệt mài đèn sách ở trường đại học danh giá nhất nhì Việt Nam, cột mốc đáng nhớ trong đời đối với Nguyễn Anh Trí là năm 28 tuổi (1985) ông, vừa học xong nội trú, ông được điều về làm bác sĩ Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
Trong suốt 18 năm gắn bó với công tác labo, chẩn đoán và điều trị bệnh máu, ông còn tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ thuật mới, được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến và tin tưởng. Năm 2003, Bộ y tế đã giao ông nhận trọng trách Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tại đây, vừa đảm trách công tác quản lý, vừa tham gia chữa bệnh cứu người…
GS.TS Nguyễn Anh Trí - một nhà khoa học hết sức bình dị và dễ gần. |
Hơn 30 năm gắn bó với ngành y, việc thiếu máu cho cấp cứu và điều trị bệnh khiến ông nhiều đêm mất ngủ. Và ông đã thực hiện được điều đau đáu trong lòng bằng những hoạt động đột phá làm thay đổi nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về ý nghĩa của việc “hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp”, từ đó ông khởi xướng và tổ chức nhiều lễ hội hiến máu tình nguyện như: chương trình Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân hồng - lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã thổi ngọn lửa nhiệt huyết vào phong trào hiến máu nhân đạo, huy động đủ máu, đảm bảo chất lượng cung cấp cho hơn 150 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh lân cận phục vụ người bệnh. Ngọn lửa đó đã được nhân rộng trong toàn quốc. Chỉ qua một số liệu đã đủ thấy: Từ một nước, trước 1993 có đến 100% máu lấy được là từ người bán máu chuyên nghiệp; đến 2003 đã chuyển đổi để có khoảng 20% là từ người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và đến năm 2015 đã đạt trên 97%. Và còn nhiều phương diện nữa, trong chẩn đoán và điều trị bệnh máu; trong đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, và nhất là rèn giũa y đức… ở đâu ông cũng đã để lại dấu ấn xuất sắc.
“Thi ca đã giúp tôi hoạt động hiệu quả hơn trong công việc”
Mặc dù, trong suốt thời gian học bác sĩ nội trú, đến khi có những danh hiệu và học hàm GS.TS, TTND, AHLĐ Nguyễn Anh Trí không có thời gian “chăm chút cho nàng thơ” mà dành tâm huyết cho việc chữa bệnh và nghiên cứu khoa học, nhưng gần đây những vần thơ bỗng “tái xuất”.
Ông tâm sự: “Từ khi mẹ ông mất, ông muốn làm một bài thơ về mẹ vì nhớ thương mẹ lắm. Vào một buổi tối, khi còn 3 ngày nữa đến 49 ngày mất của mẹ, sau đi làm về, như mọi ngày ăn cơm xong ông lên thắp hương cho mẹ và khấn “mẹ ơi , mẹ ơi…” thì tự nhiên một tứ thơ xuất hiện trong đầu. “Cảm giác lúc ấy như người mộng du mặc dù tôi mở máy tính làm việc nhưng một tay lại lấy tờ giấy và cứ thế viết mông lung, đến khi được 4-5 khổ, tôi đọc lại rồi gọi luôn cho bạn để chia sẻ.
Sau khi nghe tôi đọc, cô bạn nghẹn ngào nói “bài Tiếng gọi mẹ ơi! rất hay!”. Khi biết cô ấy đang khóc… thì tôi mới ra khỏi cơn mộng du, đọc lại bài thơ vừa làm. Bạn bè và người thân cũng chia sẻ rằng bài thơ Tiếng gọi mẹ ơi! đó rất xúc động. Từ đó trở đi ngày nào tôi cũng làm thơ, khoảng 2-3 ngày lại cho “ra lò” một bài. Khi được trên 50 bài, tôi xuất bản tập thơ Mẹ và những miền quê mẹ, rồi lại xuất bản tiếp tập thứ 2 Sống mãi với Thu vàng; và tập 3 Tình ca cầu vồng. Rất vui là được các anh bên Nhà xuất bản Hội nhà văn khen ngợi, đánh giá cao, bác sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Tự nhận mình hát không hay, cũng như chưa từng được học âm nhạc bài nào, nhưng mỗi lúc nghỉ ngơi hay căng thẳng, ông thường hát nghêu ngao hay đọc thơ để giải tỏa, để rồi tự nạp năng lượng cho mình nên nhìn ông lúc nào cũng thấy sự tươi trẻ và sung mãn… Ông tiết lộ: “Bài Tiếng gọi mẹ ơi! là do mới đầu tôi đọc, rồi ngẫu hứng phổ nhạc bằng cách tự hát lên, hát lung tung cả… Một hôm có anh bạn trong Viện bảo: “Anh ơi anh cứ hát rồi đưa cho người ta ký âm lại rồi phối khí là xong”. Tôi bèn thử và không ngờ, các bạn làm hòa âm phối khí ở Hồ Gươm Audio thốt lên rằng: Bản nhạc quá hay! Và cũng nhờ “cú hích” ấy mà việc sáng tác của tôi trở lên dễ dàng”. Nếu như giai đoạn 2011 - 2012 Nguyễn Anh Trí cho ra album đầu tay gồm 12 ca khúc với tựa đề Mẹ và những miền quê mẹ, thì từ 2013 - 2014 ông tiếp tục “trình làng” album gồm 13 bài hát, mang tên Ca khúc Nguyễn Anh Trí.
Những ai đã đọc thơ và nghe những ca khúc ông sáng tác, nhất là lúc trực tiếp nghe những bài hát trong Lễ kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Viện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hôm 27/12 vừa qua, đều có chung cảm nhận về GS.TS Nguyễn Anh Trí - một nhà khoa học hết sức bình dị và dễ gần, một nhà khoa học mê làm thơ và sáng tác nhạc. Những ca từ trong các tác phẩm của ông thường chứa đựng nỗi tâm tư, những chiêm nghiệm triết lý của một nhà khoa học, một lương y chuyên chữa bệnh cứu người…
Với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, những trải nghiệm về cuộc đời và tình yêu quê hương đất nước… đã giúp ông thăng hoa trong thơ và nhạc. GS.TS Nguyễn Anh Trí tâm sự: “Thi ca đã giúp tôi giảm stress, hoạt động hiệu quả hơn trong công việc”./.
GS.TS Nguyễn Anh Trí có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố ở trong và ngoài nước; 16 cuốn sách về lĩnh vực truyền máu. Với những danh hiệu cao quý nhất của người thầy thuốc: Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Công dân ưu tú của Thủ đô và nhiều phần thưởng khác… Ông còn là thành viên sáng giá trong đợt xét tuyển vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015./.