Nhọc nhằn cửu vạn chợ đêm cuối năm
VOV.VN -Trong cái rét tê tái của những ngày cuối năm, hàng trăm cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên vẫn đang làm việc quần quật mỗi đêm để kiếm tiền sắm Tết.
Tại chợ đầu mối Long Biên - chợ lớn nhất nhì Hà Nội, vào 0h vẫn nhộn nhịp các phương tiện, người qua lại đông đúc không có lối chen chân. Theo các thương lái, chợ bắt đầu đông từ khoảng 9h tối, đây là thời điểm xe hàng từ các tỉnh đổ về, chợ họp thông đêm đến tận tảng sáng hôm sau.
Lao động tại chợ đêm Long Biên (Hà Nội).
Mặc chiếc áo bảo hộ lao động mỏng tang, ông Hải (quê Quế Võ, Bắc Ninh) tay cầm đòn gánh, 2 đầu có buộc đôi dây thừng, đứng ngay đầu cổng chợ, mắt nhìn xung quanh tìm các xe hàng cần thuê người bốc vác. Ông nói vội: “Đứng đây, xem có xe nào đến thuê thì bốc luôn, chả biết tối nay được mấy đồng”.
Lân la hỏi chuyện, mới biết, đây là công việc đã gần 10 năm nay của ông Hải. Cứ khi người ta thức, thì ông tranh thủ ngủ, còn khi người ta ngủ, thì ông lại bận rộn với việc bốc vác thuê tại các chợ đầu mối. Chợ Long Biên là nơi làm việc quen thuộc của ông Hải, bởi lưu lượng hàng hóa về đây nhiều, cần thuê người nhiều hơn.
“Hôm nào khỏe thì làm đến 5h sáng, nhưng tôi có tuổi rồi, nên ngày nào mệt thì chỉ làm đến 1h hoặc 2h sáng là về nghỉ. Hôm khấm khá cũng được vài trăm ngàn, có hôm lại chỉ được vài chục ngàn. Ngày Tết thì nhiều việc hơn”, ông Hải kể.
Tại chợ đầu mối Long Biên những đêm giáp Tết có hàng trăm lao động cửu vạn bốc vác hàng hóa. Anh Tuấn, nhân viên tại một sạp bán hoa quả tại chợ cho biết, mỗi tối, quầy hàng nhà anh phải thuê cả chục người để bốc vác hàng từ xe xuống.
Không khí đêm tại chợ đầu mối nhộn nhịp. Không chỉ chợ Long Biên, mà các chợ khác như Cầu Giấy, chợ Hoa Quảng An, chợ Đồng Xuân, cũng tấp nập cảnh hàng hóa đổ về buổi đêm.
Vất vả nhưng thu nhập khá
Công việc tại các chợ đầu mối buổi đêm không dễ dàng. Theo các lao động tại đây, có những xe hàng lớn cả chục tấn, nhưng để tiết kiệm, các chủ cửa hàng cũng chỉ thuê từ 4-5 lao động.
Ở góc chợ, một nhóm bốc vác đang chuyển một xe gần 3 tấn cam. Anh Nguyễn Thanh Thái (quê Hưng Yên, 23 tuổi) lấy tay quẹt ngang giọt mồ hôi rơi xuống khóe mắt, giọng hổn hển, vừa thở vừa nói: “Đêm nào em cũng bốc hàng như thế này, từ khoảng 9h tối đến 5h sáng hôm sau. Công việc cũng vất vả lắm, nhưng được cái thu nhập cũng tốt. Tối nào thấp nhất cũng được tầm 300.000 đồng. Vào những ngày giáp Tết, hàng hóa nhiều, có khi phải được gấp đôi. Tính ra còn hơn ở nhà làm ruộng cùng bố mẹ, vào làm công nhân trong các công ty cũng vất vả, lại gò bó”.
Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội rực rỡ ngày giáp Tết
Thái kể, với những lao động cửu vạn, không làm cố định cho sạp hàng nào thì được nhận tiền tươi sau khi làm, còn với những người làm cố định tại một cửa hàng, thì thường được nhận lương theo tháng.
Anh Nguyễn Hữu Hùng, quê Hà Giang, một cửu vạn có thâm niên cho hay, anh gắn bó với công việc này đến nay đã hơn chục năm. Không làm cố định cho gian hàng nào, hễ cứ ai thuê là anh làm. “Ngày thường có khi cũng ế khách, nhưng dịp Tết thì được thoải mái chạy, chỗ nào thuê, thù lao cao hơn là làm”.
Anh Hùng tâm sự, thường ngày, anh chỉ làm đến khoảng 1h-2h sáng là nghỉ, nhưng tháng Tết, để có thêm ít tiền tiêu Tết, anh làm xuyên đêm. “Vất vả thì cũng có mỗi tháng cuối năm. Cố làm thêm để kiếm tiền về tiêu Tết, con cái đi học tốn kém, Tết nhất bên nội, bên ngoại cũng không ít tiền”… Anh Hùng cho biết, những ngày này, thù lao của anh cũng khoảng 500.000-700.000 đồng mỗi đêm.
Tết đang cận kề, thời điểm nhà nhà người người đi chợ sắm Tết, cũng là lúc những lao động cửu vạn căng mình chạy “xô” tranh thủ kiếm thêm thu nhập để có một cái Tết đủ đầy hơn.
Công việc nặng nhọc, vất vả, nên với những cửu vạn tại chợ đêm, sức khỏe là yếu tố quyết định việc kiếm được nhiều hay ít tiền.
Bởi vậy, mà cả tối từ 9h đến hơn 12h đêm, cô Phạm Thị Thư (50 tuổi) quê Yên Bái cũng mới kiếm được ngót nghét 50.000 đồng từ việc gánh hàng thuê. “Thanh niên trẻ khỏe thì làm nhanh, chứ như chúng tôi cũng chỉ túc tắc, được đồng nào thì được. Nhưng cũng có ngày nọ ngày kia, ngày nhiều, ngày ít, bù trừ, mỗi đêm cũng được từ 100-200.000 đồng”.
Cô Hiền kể, công việc của cô bắt đầu từ tối cho đến đêm khuya, hoặc rạng sáng. Khi hàng hóa đổ về nhiều, thì tranh thủ đi kiếm việc, còn khi hàng bớt ùn ứ hơn, mới tranh thủ đi ăn đêm, lấy sức làm tiếp.
Theo chia sẻ của các thương lái, người lao động tại đây đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Thông thường, phải đến hết ngày 29 Tết, khi hoạt động buôn bán thưa thớt dần, những lao động này mới rục rịch về quê ăn Tết./.
Chợ đêm Đà Lạt - nơi hội tụ nhiều nét đặc trưng của xứ sở ngàn hoa