Thân nhân của người có công chưa được hưởng nhiều chế độ
VOV.VN - Thực tế, hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi NCC vẫn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.
Sáng nay (17/7), Báo Đại biểu Nhân dân – Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi với người có công”.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, Chính sách ưu đãi Người có công (NCC) là một chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong suốt 70 năm qua, các chính sách đó luôn thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đối tượng được ưu đãi chính sách ngày càng được mở rộng, mức ưu đãi được nâng lên từng bước. Nhờ vậy, đời sống NCC và gia đình được cải thiện ngày càng ổn định. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi NCC vẫn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật, ưu đãi NCC với cách mạng qua quá trình triển khai thực hiện cũng đang bộc lộ những vướng mắc, hạn chế như một số quy định liên quan đến công tác xác nhận NCC, thực hiện chính sách ưu đãi còn bất cập, gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Hiện cũng chưa có chế độ BHYT thân nhân của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chưa quy định chế độ BHYT, hỗ trợ nhà ở đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác.
Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguyện vọng chính đáng của đối tượng NCC. Vẫn còn một số đối tượng NCC chưa được công nhận để thụ hưởng chính sách ưu đãi, đời sống của một số bộ phận NCC còn gặp nhiều khó khăn.
Về mặt văn bản, ông Mai cho rằng đang có sự thiếu thống nhất giữa nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh với quy định của Pháp lệnh về người có công.
Cũng tại hội thảo, Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (Bộ Quốc phòng), cho biết trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đã nảy sinh một số bất cập.
Đại tá lấy ví dụ, theo quy định Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, có 12 nhóm đối tượng NCC. Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Chính sách thì cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày” thay vì chỉ quy định cho người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày như hiện nay.
Ở một ví dụ khác, đại biểu này cho biết tại điểm 1, khoản 1, Điều 17, mục 3 và điểm g, khoản 1, Điều 27, mục 6 Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn với đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ quân đội. Theo đại diện của Cục Chính sách, vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với NCC còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết...
“Nhiều trường hợp gia đình không còn hồ sơ, các cơ quan quản lý cũng không có, nhưng những đối tượng là người thật việc thật, Bộ LĐ-TB-XH cũng cần có những giải pháp giải quyết cho những đối tượng này”, Đại tá Ngô Quang Phúc kiến nghị.
Tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng thừa nhận mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập. Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực NCC vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi NCC còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC còn chưa được nghiên cứu bổ sung, chưa thống nhất. Ví dụ như chưa có quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%; trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ này ít và chậm thay đổi kể từ năm 1995. Trong khi mức trợ cấp của đối tượng khác thì thường xuyên được cải thiện nâng lên,…
Công tác thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ giải quyết chế độ trong những năm qua mặc dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra rất phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn.
Thứ trưởng nhận định, những vấn đề liên quan đến NCC là những vấn đề nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi NCC phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước./.
Họp báo kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ
Khẩn trương dò tìm ngôi mộ liệt sỹ tập thể trong sân bay Tân Sơn Nhất