Thi THPT quốc gia 2019: Các địa phương đã sẵn sàng cho kỳ thi
VOV.VN - Gần 2 tuần nữa là diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Hiện công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các địa phương đang ở các công đoạn cuối cùng.
Để giảm những gian lận như kỳ thi năm 2018, năm nay, việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi được Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các địa phương đặt yêu cầu rất cao và tổ chức tập huấn kỹ theo hướng phân rõ người, rõ việc để có sự phối hợp chặt chẽ.
Trong tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đến nhiều địa phương trong cả nước. Nhìn chung tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ bản đã hoàn thành. Các trường trung học phổ thông đã hoàn tất việc tu sửa cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện tổ chức kỳ thi an toàn.
Bà Trịnh Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Trong việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia thì có thể nói nhà trường cũng không có khó khăn gì. Nhà trường cũng đã tổ chức ôn tập một thời gian khá dài cho học sinh. Thứ 2 là chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với kỳ thi năm 2019 và thứ 3 là nhà nhà trường cũng đã tham mưu với Ủy ban nhân dân xã Tân Thịnh nơi địa bàn nhà trường đóng quân và Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang để đảm bảo công tác an toàn, an ninh cho kỳ thi, đảm bảo sức khỏe cho các thầy cô cũng như các em học sinh dự thi ở cụm thi THPT Lạng Giang số 2."
Các tỉnh cũng rà soát tất cả trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ về tài chính, đi lại, ăn ở; thực hiện lắp đặt camera theo quy định, cử cán bộ công an giám sát hình ảnh camera 24/24 giờ…
Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh có gần 9.000 thí sinh đăng ký dự thi, hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được tỉnh triển khai hoàn tất.
"Chúng tôi đã tổng rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí trang bị camera trang bị các phòng học đã xuống cấp rồi bổ sung trang thiết bị để phục vụ kỳ thi. Bên cạnh đó thì chúng tôi tiến hành tập huấn cho các đồng chí Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, và cán bộ làm thi để nắm chắc quy trình làm thi. Thứ 3 là chúng tôi thành lập đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, thanh tra sở, kiểm tra tất cả các trường về các điều kiện. Thông qua buổi kiểm tra đó thì chúng tôi yêu cầu các trường bổ sung, tu bổ cơ sở vật chất", ông Toàn nói.
Ngoài việc rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất phòng thi và đảm bảo phòng chấm thi đều có camera giám sát 24/24 giờ thì các địa phương đều phối hợp với trường đại học để tổ chức tập huấn quy trình thi, bố trí cán bộ, giáo viên coi thi dự phòng đảm bảo tỷ lệ giảng viên đại học và giáo viên phổ thông là 50/50. Các trường đại học dù đang trong giai đoạn thi học kỳ, tổng kết năm học nhưng đều bố trí đủ số lượng cán bộ giảng viên tham gia coi thi, chấm thi.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ phối hợp coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình cho biết: "Về coi thi trường cử đủ cán bộ coi thi theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình. Chúng tôi cử khoảng 300 cán bộ giảng viên lên coi thi và khoảng 20 cán bộ giảng viên làm công tác thanh tra, giám sát. Chấm thi trắc nghiệm thì chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 20 người để thực hiện công tác chấm thi sau khi thi trắc nghiệm xong. Chấm thi tự luận thì nhà trường cũng cử 1 lãnh đạo phòng quản lý đào tạo hỗ trợ cho chấm thi."
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được phản hồi nào của địa phương về việc thiếu nhân sự coi thi là giảng viên đại học. Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các địa phương, dù chuẩn bị chu đáo tới đâu, trong thực tế vẫn có thể phát sinh nhiều tình huống ngoài dự đoán, do vậy không được chủ quan, lơ là trong tất cả các khâu./.
Sơn La cần rút kinh nghiệm sâu sắc công tác chuẩn bị thi THPT Quốc gia