Trung Quốc xả lũ: Cần có cơ chế hợp tác hai bên
VOV.VN - Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là vẫn chưa có cơ chế ràng buộc cụ thể giữa Việt Nam và Trung Quốc khi xả lũ.
Ngày 11/10 vừa qua, Trung Quốc xả lũ, với lượng xả 2.500 mét khối/giây, khiến mức nước sông Hồng lên cao, tuy không gây thiệt hại đáng kể nhưng khiến nhiều người dân lo lắng. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cần có sự ràng buộc trong việc trao đổi thông tin kịp thời mỗi khi xả lũ.
Sông Hồng qua TP Lào Cai nước dâng cao do phía Trung Quốc xả lũ |
Sông Hồng dài trên 1.600 km, một nửa nằm trên lãnh thổ Việt Nam, một nửa thuộc Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng các con đập ở trên thượng nguồn của các sông thuộc lưu vực sông Hồng (gồm sông Thao, sông Đà, sông Lô) diễn ra từ hơn 20 năm trước. Vào mùa khô, Trung Quốc hạn chế xả nước xuống hạ du, vì tích nước để phát điện nên Việt Nam phải chịu hạn hán và vào mùa lũ sẽ phải xả để bảo vệ đập và gây lũ lớn phía hạ du.
Theo Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: đợt xả lũ vừa qua, Trung Quốc có thông báo cho nước ta nhưng việc thông báo và việc xả lũ diễn ra đồng thời. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là vẫn chưa có cơ chế ràng buộc cụ thể giữa Việt Nam và Trung Quốc khi xả lũ.
“Vừa rồi, lũ xảy ra ở các hồ họ xả xuống sông Thao. Riêng sông Thao chúng ta chưa có hồ điều tiết nào, nên đây là khó khăn. Có điều trận lũ này không lớn, nên gây thiệt hại nhỏ đối với diện tích gieo trồng nhưng là tiếng chuông báo chúng ta phải cẩn thận, có biện pháp đối phó và cũng không loại trừ những trường hợp lũ lớn sẽ gây thiệt hại lớn. Giữa chúng ta với Trung Quốc khôn có một sự ràng buộc gì, đến bây giờ có động tác tích cực trong việc trao đổi thông tin, phối hợp trong việc để xử lý lũ nhưng đến nay chưa có kết quả” – ông Phạm Hồng Giang nói.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, thực hiện công tác cung cấp số liệu đo đạc thủy văn theo Bản ghi nhớ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc: Từ năm 2001, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc ký kết thỏa thuận trao đổi số liệu quan trắc khí tượng. Trung Quốc sẽ cung cấp số liệu thủy văn của 5 trạm thượng nguồn sông Hồng thuộc tỉnh Vân Nam. Việt Nam sẽ cung cấp số liệu của các trạm: Bằng Giang (Cao Bằng) Văn Mịch, (Lạng Sơn). Tần suất thực hiện: ít nhất 2 lần 1 ngày từ 15/5 đến 15/10 hàng năm. Hiện tại, số liệu quan trắc thủy văn của 5 trạm quan trắc vẫn được Trung Quốc truyền đầy đủ về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương 2 lần 1 ngày (lúc 7h sáng và 7h tối từ ngày 15/5 đến 15/10). Tuy nhiên, thông tin về việc xả lũ hay liên quan đến việc vận hành các công trình sử dụng nguồn nước mặt thì chưa nằm trong thỏa thuận hợp tác trao đổi nên phía Việt Nam không nhận được thông tin này.
Bà Nguyễn Lan Châu, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng: Khi các hồ ở Trung Quốc xả lũ thì khoảng 6 tiếng sau, lũ đã về đến Việt Nam, thậm chí về sớm hơn với những trạm thủy văn sát biên giới. Trong thời gian 6 tiếng, nếu Việt Nam không được thông báo trước thì lũ đã lên cao, gây ra dự báo sai, không kịp thời thông báo để người dân tránh lũ, sơ tán tài sản.
Trước thực tế này, bà Nguyễn Lan Châu nêu ý kiến: “Trước mắt Việt Nam phải có những giải pháp khẩn cấp như đặt thêm một số trạm mới ở những sông giáp biên giới; thứ hai là phải trang thiết bị những trạm quan trắc tự động từng giờ một. Ngoài những trạm thủy văn ra thì phải đặt những trạm quan trắc môi trường để giám sát được nguồn nước, chất lượng nguồn nước vào Việt Nam. Phía chính phủ Việt Nam, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Tài nguyên nước (Trung Quốc) cần mở rộng hơn phương án đàm phán, cấp cho mình thêm số liệu ở trên thượng nguồn sông Lô, phía sông Nho Quế để đảm bảo việc dự báo ở phía sông Lô”.
Nước ta có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông. Hiện nay, Việt Nam đã thành viên của Ủy ban liên hợp ủy hội sông Mê kông quốc tế để chia sẻ thông tin trong đó có việc xả lũ, phòng chống thiên tai. Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, giữa Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, trong đó có thể xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa xuyên quốc gia.
“Chính phủ phải có những đàm phán, thỏa thuận với nhau để đi tìm con đường, đấy là con đường duy nhất để chúng ta có thể nắm bắt được quá trình hai bên vận hành hồ chứa tác động như thế nào đến hạ lưu. Các cơ quan nhà nước mình quan tâm hơn câu chuyện này, có những biện pháp, bước đi mạnh mẽ hơn để cùng hợp tác với các quốc gia thượng nguồn để xây dựng những cơ chế hợp tác mạnh mẽ, có được những cái quy trình, thông báo cơ chế để trao đổi thông tin hữu hiệu và tích cực để phòng tránh thảm họa thiên tai do nước gây ra ở các lưu vực sông quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao quản lý, cần xem xét rà soát lại cơ chế phối hợp thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam cần tăng cường mạng lưới quan trắc, đo đếm sát biên giới để khi nhận được những thông tin sẽ phản hồi với phía bạn và cảnh báo với phía hạ du có giải pháp kịp thời ứng phó để người dân kịp thời sơ tán, tránh thiệt hại khi Trung Quốc xả lũ./.