Vì đâu hàng trăm học viên cai nghiện đua nhau bỏ trốn khỏi cơ sở?
VOV.VN - Vì muốn trong sạch địa bàn, một số địa phương đưa tất cả các nhóm người nghiện vào cùng cơ sở cai nghiện, dẫn đến quá tải.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ học viên các cơ sở cai nghiện tại nhiều tỉnh thành bỏ trốn gây xôn xao dư luận.
Mới đây, 25 học viên của cơ sở cai nghiện tại Cà Mau bỏ trốn. Theo lãnh đạo Cục phòng, chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), cơ sở cai nghiện này có 396 học viên nhưng chỉ có 37 cán bộ quản lý.
Trước đó, ngày 11/8, đã có 224 học viên cũng bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện tỉnh Tiền Giang.
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ học viên cai nghiện bỏ trốn tại cơ sở. |
Đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang cho biết, nguyên nhân ban đầu chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong việc phân công đi vận chuyển thực phẩm dẫn đến tranh cãi. Sau đó, khoảng 10 học viên đánh 1 cán bộ bị thương và kích động các học viên khác bỏ trốn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống Tệ nạn xã hội cho biết, nhiều trường hợp học viên cai nghiện kích động, phá cơ sở do nguyên nhân rất nhỏ là mâu thuẫn với cán bộ quản lý.
“Các cán bộ tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, các trường hợp xảy ra đối với học viên cai nghiện chưa có cách xử lý thích hợp nhất.
Vấn đề cai nghiện đã được xử lý nhiều lần, nhưng vẫn tồn tại tình trạng học viên bỏ trốn tại các cơ sở. Cục sẽ có đánh giá về tình trạng này để giải quyết dứt điểm’, ông Khánh cho biết.
Trực tiếp thị sát tại nhiều cơ sở cai nghiện ở nhiều địa phương khác nhau, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, tình hình nghiện ma túy đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng nghiện ở thanh thiếu niên. Tỷ lệ những người vi phạm pháp luật do sử dụng ma túy, tỷ lệ tiền án, tiền sử trong người nghiện diễn biến phức tạp. Do đó cần đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý người nghiện, tăng cường cai nghiện tại cộng đồng, kết hợp giữa xã hội với gia đình, đồng thời chú trọng vào cai nghiện bắt buộc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hàng loạt các vụ học viên bỏ trốn cơ sở cai nghiện xảy ra thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
“Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp, tiếc rằng, một số địa phương chưa dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho vấn đề này.
Vì muốn trong sạch địa bàn, một số địa phương đưa tất cả người nghiện vào cơ sở cai nghiện, dẫn đến quá tải. Có những cơ sở cai nghiện cùng lúc điều trị cho khoảng 400-600 học viên, có nơi bố trí 70-80 học viên ở chung một phòng, nhưng quy mô chỉ đáp ứng được một phần. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các cơ sở cai nghiện ít được quan tâm đầu tư tương xứng”, Bộ trưởng cho biết.
Phân tích rõ hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác phân loại đầu vào tại các cơ sở cai nghiện hiện nay chưa làm “đúng bài”. Thông thường, các học viên cai nghiện có cư trú hay không cư trú trên địa bàn, từng có tiền án, tiền sử, thuộc diện cai nghiện bắt buộc hay không bắt buộc đều gộp lẫn, dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lý.
Bộ trưởng chỉ ra rằng công tác cai nghiện hiện nay đang rất khó khăn do đội ngũ cán bộ đảm nhiệm còn mỏng, 1 cán bộ phải chăm sóc, giúp đỡ đến gần 100 người, nhưng chế độ đãi ngộ còn thấp. Do đó, nhiều địa phương hiện nay không thể tuyển nổi cán bộ làm việc trong các cơ sở cai nghiện.
Chính những bất cập, thiếu đồng bộ từ quy trình tiếp nhận học viên, tư vấn, chăm sóc, thuốc men đến giáo dục nghề nghiệp cho học viên cai nghiện còn nhiều bất cập dẫn đến công tác cai nghiện những năm qua còn nhiều hạn chế, để xảy ra các sự cố như học viên bỏ trốn, xích mích trong cơ sở cai nghiện…
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay, đa số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Loại ma túy này để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, các địa phương cần phải coi hoạt động phòng, chống ma túy, tổ chức cai nghiện là nhiệm vụ quan trọng và dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng với nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương để xảy ra tình trạng học viên gây mất an ninh trật tự hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện, người đứng đầu đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, quy trình hỗ trợ những người nghiện ma túy cũng cần đổi mới. Các cơ sở cai nghiện nên có sự phân loại, sàng lọc đầu vào để có cách tư vấn tâm lý, hỗ trợ phù hợp.
Với các địa hương còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, chỉ nên đưa vào những trường hợp nghiện nặng, đã cai nghiện tại cộng đồng nhưng vẫn tái nghiện, những người nghiện từng có tiền án, tiền sử, không có gia đình, nơi cư trú… Hình thức cai nghiện linh hoạt, phù hơp.
Song song với công tác cai nghiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các cơ sở cần đặc biệt chú ý để có những hỗ trợ về việc làm, dạy nghề để giúp người nghiện ma túy có thể tái hòa nhập cộng đồng./.
25 học viên cai nghiện ở Cà Mau bỏ trốn, nguyên nhân do đâu?
Hơn 100 học viên cai nghiện ở Đồng Tháp gây rối, trốn trại
Hơn 10 học viên chưa trở lại Trung tâm Cai nghiện Ma túy ở Tiền Giang