Vì lợi nhuận, nhiều người quên trách nhiệm phòng cháy chữa cháy
VOV.VN - Hiện nay, số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn, vi phạm các quy định an toàn PCCC còn chiếm tỷ lệ cao, có tới gần 30% số vụ cháy là do người dân.
Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại như vừa qua, tiếp tục đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC.
Nhân ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (PCCC 4/10), phóng viên VOV đã phỏng vấn Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an.
PV: Ông đánh giá thế nào về phong trào toàn dân PCCC ở nước ta trong những năm qua?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành đến nay, phong trào toàn dân tham gia PCCC đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng làm nòng cốt cho phong trào toàn dân làm công tác PCCC.
Nhiều Bộ, Ngành, đến UBND địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong công tác PCCC như: Thành lập Ban Chỉ đạo PCCC; phát động phong trào thi đua làm tốt công tác PCCC, bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy, nổ; trung bình mỗi năm đã tổ chức cho gần 75.000 đơn vị và trên 67.000 hộ gia đình và hộ kinh doanh trong các chợ, trung tâm thương mại ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC…Đặc biệt, tại Hải Phòng trong nhiều năm qua đã xây dựng và duy trì mô hình “cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; Tiền Giang xây dựng mô hình đơn vị điển hình tiên tiến và khu phố an toàn về PCCC, An Giang duy trì mô hình xây dựng “cụm, tuyến dân cư an toàn PCCC”.
Đã từng bước triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” trong công tác PCCC, đặc biệt đã củng cố, xây dựng lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở từng bước theo quy định của Luật PCCC và lực lượng này phát huy hiệu quả tốt; việc thực hiện công tác PCCC đã ngày càng trở thành nhiệm vụ của toàn dân.
PV: Ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả rất nghiêm trọng, cho thấy một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Những tồn tại hạn chế nào được xem là đang tiềm ẩn những nguy cơ hỏa hoạn xảy ra thưa ông?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Hiện nay, người đứng đầu nhiều đơn vị, cơ sở chưa nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC, coi việc PCCC là nhiệm vụ của cơ quan Cảnh sát PCCC; hoặc vì mục tiêu lợi nhuận nên đã không quan tâm đầy đủ đến công tác PCCC, không thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC, kiểm tra, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, thậm chí không đầu tư hoặc tìm mọi cách cắt giảm tối đa chi phí cho công tác PCCC...
Bên cạnh đó, ý thức, kiến thức của một bộ phận cán bộ, công nhân viên và nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập; lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động không hiệu quả nên khi cháy xảy ra không phát hiện, báo cháy và tổ chức chữa cháy kịp thời nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Do đó, số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn, vi phạm các quy định an toàn PCCC còn chiếm tỷ lệ cao, có tới gần 30% số vụ cháy là do người dân, người lao động sơ suất, bất cẩn gây ra.
PV: Theo ông, đâu là những việc cần làm để đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân PCCC ở nước ta?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Có thể nói, phong trào Toàn dân PCCC những năm qua đã đem lại những kết quả rất to lớn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số hạn chế đó là: một số cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa thực hiên hết trách nhiệm cũng như chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC đối với các cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ.
Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở dù đã có chuyển biến nhưng chưa có hiệu quả, chưa đủ khả năng để phát hiện những nguy cơ, vi phạm có thể dẫn đến cháy, nổ để kịp thời khắc phục sửa chữa.
Hai là, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC chưa làm thường xuyên liên tục. Đối tượng tuyên truyền, huấn luyện về PCCC mới chỉ tập trung ở các cơ quan, doanh nghiệp.
Tại nhiều đơn vị, cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; lực lượng PCCC tại chỗ không duy trì hoạt động thường xuyên, không được đào tạo, huấn luyện; thiếu quan tâm về công tác quy hoạch, đầu tư trang thiết bị PCCC, không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ nên nhiều vụ cháy xảy ra, lực lượng tại chỗ không phát hiện được, xử lý rất lúng túng, không đủ khả năng khống chế đám cháy.
Theo tôi, những mặt hạn chế nêu trên cần phải sớm được khắc phục và phải được các cấp ngành thực sự quan tâm, cùng vào cuộc. Điều quan trọng là tuyên truyền, giáo dục để mọi tổ chức, cá nhân nhận rõ tác hại do cháy gây ra, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, nhất là đối với người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức và chủ hộ gia đình.
Có như vậy, công tác PCCC mới đạt được hiệu quả, tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng một xã hội bình yên, giàu mạnh./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.